MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Em (cư dân cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt TP.Cần Thơ) và chiếc ghe cũng là căn nhà của ông. Ảnh: H.T

Trăn trở của lao động nghèo nơi “xóm lưới xứ cù lao”

HỒ THẢO LDO | 11/04/2022 09:04
Cái nghề phụ thuộc vào thiên nhiên, lênh đênh trên mặt nước của người dân ở cù lao Tân Lộc (TP.Cần Thơ) giờ là nỗi trăn trở của cả xóm lưới khi thiên nhiên không còn hào sảng như trước.

Nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, cù lao Tân Lộc (thuộc quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) được thiên nhiên ưu đãi phù sa bồi đắp, quanh năm khí hậu điều hòa mát mẻ. Có dòng sông nước ngọt bao quanh, vào mùa nước nổi tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đây, mang theo biết bao nhiêu loại cá nước ngọt, cá linh, cá mè vinh, cá ngát đặc biệt cá bông lau... có con lên cả chục kilôgam.

Nhưng đó chỉ là quá khứ đối với ông Lê Văn Leo (ngụ khu vực Đông Phước, cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt). Gắn bó với nghề 40 năm nay, nói về cơ duyên gắn bó với nghề, ông kể: Ngày xưa nơi này vào tháng nước nổi, hằng năm nhà nào cũng có một chiếc xuồng nhỏ đi thả lưới, bắt cá. Lúc đầu thấy một vài người làm dính cá to nhiều quá, rồi ai cũng làm theo, chủ yếu để ăn. Ăn không hết thì đem bán cho bà con xung quanh trên cù lao.

Khoảng 10 năm về trước, tới mùa cá bông lau bắt được mỗi con mười mấy kilôgam là bình thường. Nhưng theo thời gian giảm dần, không có nhiều như trước đây nữa. Nhà không đất không vườn, nên ông thì phải bám trụ để mưu sinh. Bây giờ cá to thì hiếm, nên ông thả lưới loại nhỏ bắt cá nhỏ, như cá mè vinh, cá chép... bán cho người ta xay làm chả cá, giá 20.000 đồng/kg kiếm sống qua ngày.

Còn hai vợ chồng ông Nguyễn Hồng Em, làm nghề lưới cũng đã 30 năm. Không nhà không cửa, sống lênh đênh trên chiếc ghe. Mỗi ngày hai buổi đợi con nước lên là bắt đầu ngày mới.

Ông Em cho biết, trong xóm lưới anh em mới hùn tiền mua thiếc, mua gỗ để giúp sửa lại cái mui ghe cho ông. Vì họ thấy xót cảnh hai vợ chồng đã 60 tuổi, mà không có nổi chiếc ghe lành lặn để ở, nói chi có nhà.

“Mọi năm, tháng này ngày hai con nước thả lưới trung bình cũng được 4-5kg cá cơm, bán mỗi kilôgam giá tầm 20.000 đồng/kg, cũng đủ mua gạo ăn sống qua ngày. Nói thật nghề này giờ cũng hên xui. Cho dù có kinh nghiệm lâu năm, cũng canh nước lên, nước xuống, cá đi theo luồng, mùa nào ít cá, mùa nào nhiều cá... mà làm cũng không khá, cá thì mỗi ngày một ít” - ông Em chia sẻ.

Anh Lê Văn Vũ, người hiếm hoi còn thả lưới loại chuyên bắt cá bông lau, nói thêm: “Nghề này lênh đênh trên sông nước còn nhiều hơn trên bờ. Ngủ cũng không thẳng giấc, canh theo con nước, bất kể ngày hay đêm”.

Nhiều khi cái nghề còn là cái nghiệp, đã vướng vào nó muốn bỏ cũng không được. Đó là câu chuyện của gia đình bà Trần Thị Tho.

“Người ta chỉ nghe nói cái xứ này toàn gả con cho nhà giàu. Chuyện đó có thật, nhưng là ở đầu và cuối cù lao. Còn ở giữa cù lao cái xóm lưới này nghèo lắm. Có người không có nhà, cái nghèo cứ bám mãi. Có lần chán quá, tôi đi hỏi mượn mấy người bà con được chút vốn về thuê đất trồng cây ăn trái. Ai ngờ, làm 2 mùa lỗ tiền phân, tiền thuốc đành ngậm ngùi trả đất lại cho người ta. Quay lại với nghề này nếu không làm thì biết làm gì” - bà Tho tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn