MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mục đích đề xuất của phương án 2 là nâng mặt bằng lương đóng bảo hiểm xã hội để có mức lương hưu cao. Ảnh: VGP

Tranh cãi xung quanh đề xuất tăng tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 24/04/2023 11:20

Mới đây, trong góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều cơ quan đề xuất tăng tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác của lao động. Vậy quan điểm của người lao động và chủ doanh nghiệp đối với đề xuất này thế nào?

Quan điểm trái chiều

Chị Nguyễn Thị Mơ (36 tuổi), công nhân tại Nam Định đồng ý với quan điểm tăng lên theo đề xuất. Đơn giản bởi mức đóng bảo hiểm xã hội của chị hiện tại cũng tương đồng do lương cơ bản và phụ cấp khá cao (gần 6 triệu đồng/tháng).

Đến nay, chị Mơ đã đi làm và đóng Bảo hiểm xã hội được 9 năm, mỗi tháng đóng hơn 600.000 đồng, lương thực nhận của chị khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Sở dĩ nữ công nhân đồng tình với phương án tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bởi suy xét lâu dài, mức đóng này rất có lợi cho bản thân. Dự định của chị Mơ sẽ làm đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Khi mức đóng tăng lên thì lương hưu của chị nhận được càng cao.

Hiện tại, công ty chị Mơ đang trả lương theo thời gian nên việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cũng dễ thực hiện hơn. Bởi mức lương hàng tháng của nữ công nhân gần như cố định, phải vài tháng, thậm chí cả năm mới thay đổi.

Ngược lại, chị Phạm Thị Ngọc (28 tuổi), công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại Thái Nguyên mong muốn giảm mức đóng xuống so với hiện tại. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm xã hội của chị đã hơn 700.000 đồng do lương cơ bản và các khoản phụ cấp đã gần 7 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về mong muốn này, chị Ngọc cho biết, bản thân quan tâm nhiều hơn đến cái lợi trước mắt chứ không phải lâu dài. Thậm chí, chị còn muốn giảm mức đóng xuống 600.000 đồng/tháng.

“Tôi đã làm ở đây hơn 9 năm nhưng thu nhập cũng không tăng đáng kể. Mức lương đóng bảo hiểm xã hội hiện tại đang khá cao, ảnh hưởng tương đối đến tổng thu nhập. Trừ các chi phí, mỗi tháng chỉ còn 8 triệu đồng trong khi còn phải chi trả rất nhiều thứ” - chị Ngọc tâm sự.

Khi phóng viên trao đổi mức đóng thấp sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí sau này thì chị Ngọc không mấy quan tâm. Bởi chị đang tham gia một sản phẩm bảo hiểm thương mại khác cũng có quyền lợi hưu trí. Đồng thời, nữ công nhân cũng chưa có ý định đợi hưởng lương hưu do bản thân còn khá trẻ.

Đề xuất còn nhiều hạn chế

Về quan điểm của người sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn T (giám đốc công ty may mặc tại Nam Định) cho rằng, phương án này có nhiều hạn chế, bất cập.

“Công ty tôi trả lương theo sản phẩm (khoán) nên thu nhập của người lao động thay đổi theo tháng, không cố định. Trong khi đó, công ty có hàng trăm người, nhân sự kê khai mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ rất vất vả, có thể dẫn đến sai sót” - ông T cho biết.

Ngoài ra, theo ông T có những người mới vào hay tay nghề yếu chỉ được 5 triệu đồng/tháng thì đề xuất kia khá thiệt thòi cho người lao động bởi lương được nhận không nhiều. Nếu có thể, Nhà nước nên tăng mức lương tối thiểu vùng hoặc để doanh nghiệp và người lao động tự thương lượng mức lương làm căn cứ đóng sẽ hợp lí hơn.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.

Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.

Phương án hai đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong quá trình làm việc của người lao động. Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu cao.

Góp ý cho dự thảo, Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đồng tình phương án hai, song đề xuất sửa khoản tính đóng bảo hiểm xã hội bằng ít nhất 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của lao động. Theo đề xuất này, nếu mỗi tháng lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào Quỹ Hưu trí tử tuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn