MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài người lao động thuộc diện hỗ trợ theo quy định, nhiều đối tượng khác cũng cần được quan tâm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: N.B

Tranh luận về mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ

nhiệt băng LDO | 25/07/2020 08:16
Trước ý kiến đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa mở rộng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho đối tượng người cao tuổi, mất sức lao động, mắc bệnh mãn tính thì sở này cho rằng, việc mở rộng sẽ gây áp lực cho ngân sách tỉnh. 

Số lượng tiếp cận gói hỗ trợ khá ít

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa - cho biết, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 2.084 doanh nghiệp (DN) và hơn 58.000 lao động (LĐ) bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 16.000 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và 42.000 người phải tạm hoãn LĐ, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương. Sở LĐTBXH đã chủ động thực hiện kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ theo quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ cho 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ.

Khi thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh, sở chủ động rà soát, thống kê nhanh và đến ngày 20.6 đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng (5.290 người có công, 38.910 đối tượng bảo trợ xã hội, 111.729 người nghèo và cận nghèo) với tổng số tiền hơn 150 tỉ đồng. Trong số 58.000 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, đến nay, các đơn vị cấp huyện đã trình hồ sơ gần 13.000 trường hợp, đang được xét duyệt để hỗ trợ; số còn lại gặp vướng mắc nên chưa thể làm hồ sơ.

Nguyên nhân là do Khánh Hòa bị ảnh hưởng bởi dịch từ rất sớm, nhiều DN cho NLĐ nghỉ việc từ đầu tháng 2 nhưng theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ những LĐ nghỉ việc từ ngày 1.4 về sau mới được hỗ trợ nên số lượng LĐ của tỉnh tiếp cận được gói hỗ trợ này khá ít. Trong quá trình thực hiện, sở đã có ý kiến với cấp trên.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã kiến nghị với Thủ tướng lùi thời gian xét hỗ trợ về cuối tháng 1.2020. Nếu kiến nghị này được thông qua, số lượng NLĐ của Khánh Hòa được hưởng hỗ trợ sẽ tăng lên nhiều.

Đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ

Đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa Lê Thị Mai Liên đề xuất Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa mở rộng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho đối tượng người cao tuổi, mất sức LĐ, mắc bệnh mãn tính. Trả lời vấn đề này, bà Trang cho rằng, những người này không bị giảm sâu thu nhập, không bị mất việc làm. “Nghị quyết 42, Chính phủ cũng không giao thẩm quyền cho UBND tỉnh được xem xét mở rộng đối tượng người cao tuổi, mất sức LĐ và mắc bệnh mãn tính” - bà Trang nói. 

Theo bà Trang, nếu mở rộng các đối tượng trên thì phải mở rộng hết các đối tượng NLĐ tự do khác, trong khi Quyết định 15 của Chính phủ quy định hỗ trợ có hạn chế, không hỗ trợ hết toàn bộ cho NLĐ tự do. 

“Khánh Hòa có khoảng 50.000 LĐ tự do, tính lên 3 tháng thì kinh phí phải chi là gần 150 tỉ đồng. Vấn đề này gây áp lực cho ngân sách tỉnh” - bà Trang cho hay. 

Tuy vậy, đại biểu Liên nói rằng, sau Nghị quyết 42 là Quyết định 15, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 7 có quy định NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: “Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe”. “Tức là đối tượng mở rộng cũng khá nhiều” - đại biểu Liên chỉ dẫn. 

Ngoài ra, đại biểu Liên viện dẫn, tại Khoản 2, Điều 7 của Quyết định 15 cũng quy định rất rõ: Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác”.

Đại biểu Liên mong muốn Sở LĐTBXH rà soát, không bỏ sót những đối tượng thuộc diện thụ hưởng. “Bên cạnh đó, những đối tượng mà chúng ta thấy rằng họ không thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng thực sự họ cần sự quan tâm, nghiên cứu chế độ chính sách để tham mưu cho UBND tỉnh, để triển khai việc hỗ trợ này đúng đối tượng và toàn diện” - đại biểu Liên nói.

Đáp lại, bà Trang giữ nguyên quan điểm: “Trong cuộc họp với UBND tỉnh, chúng tôi cũng đã thấy vấn đề này. Hiện giờ theo thống kê, có 50.000 NLĐ tự do, nếu mở rộng thì phải mở rộng hết toàn bộ, chứ không thể mở rộng một vài đối tượng. Tôi cho rằng, chúng ta phải sự công bằng trong việc hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng: “Dù vừa qua, Khánh Hòa tuy chưa mở rộng đối tượng được trợ giúp, nhưng mặt trận, đoàn thể, DN cũng đã xắn tay vào, làm rất tốt để giúp những người dân yếu thế, như triển khai đặt máy ATM gạo, nước. Đối với hơn 2.000 người bán vé số, UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã kịp thời hỗ trợ một ít gạo, tiền. Bản thân tôi cũng đã đề xuất với tỉnh nên nghiên cứu thêm đối tượng bảo mẫu của các trường và giáo viên tư thục. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã đề xuất, nếu được Chính phủ đồng ý, thì UBND tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho đối tượng này” - ông Tuân nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn