MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động đã đưa ra các quan điểm xoay quanh đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Tranh luận xoay quanh đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống 24%

Mạnh Cường LDO | 12/11/2023 18:45

13 Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tổng mức đóng bảo hiểm xã hội hiện khá cao (32%), nên giảm xuống còn 24%. Về vấn đề này, nhiều lao động đã đưa ra các quan điểm, đồng thời đề xuất phương án phù hợp.

Anh Trần Mạnh Hưng (30 tuổi), nhân viên kinh doanh ô tô tại quận 12, TPHCM cho biết, anh muốn được đóng bảo hiểm xã hội mức cao hơn hiện tại. Mục đích để hưởng các chế độ, đặc biệt là lương hưu về sau cao. Do đó, theo anh Hưng, nếu giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội mà ảnh hưởng đến các quyền lợi của người lao động thì nên giữ nguyên tỉ lệ đóng.

Chia sẻ kỹ hơn, anh Hưng cho biết, thực tế người lao động chỉ phải đóng 10,5%, con số này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Bởi mức đóng 10,5% được tính theo lương cơ bản chỉ hơn 5 triệu đồng trong khi thu nhập thực tế của người lao động trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng, thậm chí cao hơn.

“Mỗi tháng trích ra 500 nghìn đồng để đóng bảo hiểm xã hội, tôi coi đây là khoản tiết kiệm. Chúng ta nên đặt mục tiêu tích cóp nhiều hơn chứ không nên ít đi, dành dụm được càng nhiều quyền lợi về sau cũng tăng theo” - anh Hưng cho biết.

Trao đổi với Lao Động, nam nhân viên chia sẻ nếu không tăng mức đóng thì nên giữ nguyên, giảm xuống 24% sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người đóng về sau.

Bên cạnh đó, anh Hưng đề xuất việc tính toán lại hệ số bù trượt giá bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu phù hợp với giá cả thị trường từng thời điểm.

Chị Phạm Thu Trà (36 tuổi) - Tổ trưởng chuyền may tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đồng tình với đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội nhưng mong được giữ nguyên quyền lợi hiện hưởng.

Theo chị Trà, giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: NVCC.

Theo chị Trà, không phải thu nhập của công nhân đều cao và không phải công nhân nào cũng có ý định để lại hưởng lương hưu. Giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp đồng lương của họ cao hơn, đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi ít việc khiến lương thấp.

Ở cương vị tổ trưởng nên chị Trà nhận thấy doanh nghiệp không dễ dàng để đảm bảo việc làm cho người lao động. Ngoài việc đau đầu tìm khách hàng, họ còn phải chịu các khoản thuế, phí rất lớn. Nếu càng tăng cao tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp càng khó khăn, người lao động càng khổ vì có thể bị hạ lương, ép đơn giá.

Thậm chí, theo chị Trà, nếu các chi phí tăng lên quá cao, nhiều doanh nghiệp còn không gắng nổi dẫn đến phá sản. Công nhân cũng vì thế mà bị mất việc, nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Liên quan đến vấn đề giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội sao cho hợp lý, vẫn đảm bảo quyền lợi, chị Trà đề xuất Nhà nước nên can thiệp hỗ trợ.

“Tôi nghĩ doanh nghiệp và người lao động chỉ cần đóng 24% theo đề xuất. Số thiếu còn lại, Nhà nước hãy vào cuộc hỗ trợ, ba bên cùng tham gia. Như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng và thiết thực hơn đúng với tên gọi hệ thống an sinh xã hội” - chị Trà chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn