MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trường Cao đẳng Công Thương Thái Nguyên. Ảnh: Hồng Nhung

Trao sinh kế giúp lao động nông thôn thoát nghèo bền vững

Đỗ Hạnh LDO | 22/09/2023 08:39

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, nhờ đó giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Hàng nghìn lao động thoát nghèo

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Thái Nguyên đã gắn phát triển sản xuất với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Mạnh Cường - Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên - cho biết, hiện tỉnh đang tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh triển khai tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tại các địa phương và Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Anh Ma Văn Hoàng (xóm Đồng Màn, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa) cho biết, sau 3 tháng tham gia lớp học nghề điện tử, điện lạnh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hiện anh đã mở cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh tại địa phương, có thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng.

Ông Phan Văn Phương (xóm Đầm Ban, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên) sau khi được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn cách trồng chuối tiêu hồng trên đất vườn tận dụng, chăm sóc cũng không vất vả như cấy lúa đã ứng dụng vào thực tiễn. Hiện gia đình ông có trên 800 gốc chuối hồng, giá bán trung bình 85.000 đồng/buồng (10 buồng chuối bằng 1 tạ thóc) và sau 3 năm đã giúp gia đình ông thoát nghèo.

Tạo sinh kế cho lao động nông thôn

Theo thống kê, mỗi năm các trung tâm đào tạo thường xuyên và sơ cấp nghề của tỉnh Thái Nguyên đã đào tạo hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Cụ thể tại huyện Định Hóa, mỗi năm có gần 3.000 người được đào tạo nghề và tìm kiếm được việc làm với mức thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động.

Tuy nhiên, việc đào tạo nghề nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn do địa bàn tuyển sinh chủ yếu ở các xóm xã vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn. Học viên tham gia học nghề trình độ, độ tuổi không đồng đều, do vậy việc tiếp thu kiến thức khoa học còn hạn chế; mức kinh phí hỗ trợ trên một học viên thấp chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo...

Theo ông Triệu Văn Cương - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT) tỉnh Thái Nguyên - đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần linh loạt, đa dạng; đào tạo ngay tại cơ sở, gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả, tối đa thời gian dạy thực hành. Bên cạnh đó, phải khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn