MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trên hành trình xa quê lên thành phố làm việc của công nhân miền Tây

PHONG LINH LDO | 29/01/2023 06:24
Ngày 28.1, chúng tôi có dịp đến nhà chị Đặng Thị Ly (45 tuổi, thành phố Cần Thơ) để lắng nghe tâm sự của những người công nhân miền Tây chuẩn bị rời quê lên thành phố làm việc. Lời thăm hỏi, chúc mừng và thước quà quê đã góp phần tiếp thêm động lực cho người lao động xa xứ.  

Khi mặt trời chưa ló rạng, chị Ly đã lui cui trong bếp để làm món cháo cá lóc tiễn gia đình anh Nguyễn Tuấn Cường (công nhân Công ty Hải Lam, Bình Dương) trở lại thành phố làm việc sau những ngày được nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Món cháo quê tuy đơn sơ nhưng nhiều hữu dụng, vừa giúp họ giải rượu do đêm qua say mèm "chén anh, chén chú", vừa để người no bụng mà có sức lái xe, và cốt cũng để những người con miền Tây đỡ mủi lòng trên hành trình rời nơi chôn nhau cắt rốn, kiếm kế sinh nhai.

 Bữa ăn sáng với cháo cá lóc đồng của nhà chị Ly (áo đen chấm vàng bên phải) để tiễn gia đình người bà con đi Bình Dương làm việc. Ảnh: Phong Linh

Bữa ăn sáng của họ không có gì đặc biệt, chủ yếu chỉ xoay quanh câu chuyện về một năm cũ đã qua, nhiều vất vả, biến động nhưng may mắn đã vượt qua.

Hơn chục năm làm công nhân ở Bình Dương, cay đắng ngọt bùi đất khách, gia đình anh Cường đều nếm đủ, ấy vậy mà họ vẫn không khỏi xót xa cho tình cảnh của những người đồng nghiệp, đồng hương không may mất việc trong năm qua.

"Đó là nỗi ám ảnh của công nhân thành phố vào cuối năm 2022, không phải với những người mất việc mà cả những lao động bình thường khác.

Cũng vì bất an đó mà tôi cố gắng làm ngày đêm, một mặt kiếm thêm thu nhập cho gia đình, mặt khác còn để người ta thấy mình làm được, làm năng suất mà không cho thôi việc" - anh Cường tâm sự.

Thở dài vì câu chuyện xót xa là điều chẳng ai muốn trong những ngày đầu năm sum họp. Nhưng có thế người ta mới hiểu nhau và hiểu nỗi bi hài ở từng ngành nghề khác nhau. 

"Ngay bản thân tôi cũng không kìm được nước mắt khi xem cảnh công nhân lần lượt bước ra về. Đặt mình vào vị trí của họ rồi làm trụ cột trong gia đình, mình không biết tính sao" - chị Ly chia sẻ. 

Không góp lời bình vào câu chuyện cũ, ông Sáu với tay lấy cái vá bới cháo, làm thêm chén nữa để bỏ bụng kịp giờ lên đường.

Trong quan điểm của người đàn ông đã ngoài 50 tuổi không có chuyện nhớ về quá khứ mà phải cố gắng hướng về tương lai, là làm sao phấn đấu để năm nay vượt lên cái nghèo. 

 Gia đình người công nhân Nguyễn Tuấn Cường (áo trắng bên trái), đã xa quê 10 năm đến làm việc tại công ty ở Bình Dương. Ảnh: Phong Linh

Ông Sáu nhấn mạnh, năm nay cả nhà nhất định phải gắng làm ăn cho khấm khá, vợ chồng anh Cường nặng lo hơn do con vào tiểu học nhưng không vì thế mà áp lực đồng lương.

Làm thì làm nhưng cũng giữ gìn sức khỏe bởi sức khỏe quý hơn vàng. Còn ông vào công ty làm lại cũng sẽ chạy năng suất, đôi vợ chồng già cân nhắc chi tiêu để ít năm sau về quê nghỉ hưu mà có của ăn, của để. 

 Anh Cường và hành trang về Bình Dương làm việc. Ảnh: Phong Linh

Khi đứa con gái của anh Cường buông đũa cũng là lúc mọi người chuẩn bị đồ đạc để lên đường đi thành phố. Giỏ trước, giỏ sau lỉnh kỉnh vậy mà trái sầu riêng miền Tây vẫn ngay ngắn nằm một chỗ trên con xe đã đi mấy trăm ngàn cây số của người lao động.

Thước quà quê được trân quý không phải vì vật giá thành phố đắt đỏ mà là vì nghĩa tình của người bà con trên chuyến đi xa.

Cái vẫy tay chào tạm biệt người xa xứ với lời chúc thượng lộ bình an. Ảnh: Phong Linh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn