MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các buổi tư vấn nghề nghiệp của Trường Cao đẳng TKV tại các bản, làng thường được tổ chức vào buổi tối vì ban ngày người dân đi làm. Ảnh: Hà Quảng Minh

Trèo đèo, lội suối tìm thợ lò

Nguyễn Hùng LDO | 28/01/2023 13:30

Do rất khó tuyển thợ lò dưới xuôi, nên từ lâu, ngành than phải tuyển thợ lò chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc và các xã, huyện miền núi, biên giới miền Trung. Để thuyết phục những thanh niên về Quảng Ninh làm thợ mỏ, các cán bộ, nhân viên, thầy cô của Trường Cao đẳng đào Than - Khoáng sản Việt Nam, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), phải rong ruổi những chuỗi ngày dài đến tận từng thôn, bản.

Trên từng cây số

Sau những ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, anh Hà Quang Minh - Trưởng phòng tuyển sinh Tây Bắc 1, Trường Cao đẳng TKV - lại chuẩn bị lên đường đi các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm kiếm nguồn nhân lực đào tạo thợ lò. Như thường lệ, mồng 6 Tết là phải lên đường, chậm nhất cũng không được quá mồng 8 Tết, bởi sau đó, thanh niên, trai tráng ở các làng, bản cũng rục rịch lên đường đi làm ăn xa.

“Phải tranh thủ thời điểm, nhất là những lao động tự do, còn ở quê ăn Tết để tiếp cận, trò chuyện với họ” - anh Minh chia sẻ.

Anh cũng mới trở về Hạ Long từ 24-25 Tết, sau hơn nửa tháng rong ruổi qua nhiều bản, làng ở Hà Giang, Điện Biên… để săn tìm thợ lò cho ngành than.

Năm nào cũng vậy, những người làm công tác tuyển dụng thợ lò như anh cứ nấn ná ở lại thêm vài ngày vào dịp gần Tết, có năm đến tận 28 Tết, để chờ đợi con, em của các bản, làng đi học, làm xa về quê ăn Tết, vì đây là những dịp có thể gặp gỡ được đông nhất.

Anh Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, kiêm Trưởng phòng Tuyển sinh miền Trung 2 - trở về từ một xã vùng cao, giáp với biên giới Lào của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trước Tết Nguyên đán vài ngày và cũng sẽ lại lên đường trong vài ngày tới.

Hơn 10 năm trở về trước, không ai nghĩ việc tuyển thợ lò lại khó như hiện nay; đặc biệt, không ai nghĩ phải trèo đèo, lội suối, băng rừng lên những bản làng xa xôi, hẻo lánh để thuyết phục những nam thanh viên về Quảng Ninh làm thợ mỏ. Bởi, ngày đó, xin vào ngành than không dễ; đi học nghề chưa kể phải mất học phí, mà học xong chưa chắc đã có việc.

Nhưng “gió đã xoay chiều” khi ở các tỉnh, thành miền xuôi, các KCN, nhà máy, công ty mọc lên như nấm, thanh niên ở quê có thể kiếm việc được ở gần nhà. Nhiều thợ mỏ cũng bỏ Quảng Ninh để về quê làm công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy, với thu nhập có thể thấp hơn thợ mỏ, nhưng đỡ vất vả, độc hại và được gần gia đình, vợ con…

Cũng từ đó, TKV buộc phải tìm thợ lò ở các bản, làng xa xôi, với những tiêu chuẩn ngày một hạ thấp hơn để phù hợp với tình hình và hỗ trợ toàn bộ học phí, ăn uống, thực tập...

Nhưng, không ít người về Quảng Ninh học nửa chừng rồi bỏ. Những người vào làm cũng chỉ xác định đủ tiền mua đàn trâu, cái xe máy hay xây ngôi nhà nhỏ rồi về quê vì vợ con ở quê và khó kiếm vợ ở Quảng Ninh.

Vì thế, theo đại diện Trường Cao đẳng TKV, số lượng trường này tuyển vào để cung cấp cho các công ty than vừa bằng số thợ lò bỏ việc và nghỉ hưu.

Muôn nẻo đường săn thợ lò

Bình quân mỗi năm, Trường Cao đẳng TKV được giao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo từ 4.500-5.000 thợ lò cho ngành than. Năm 2023, chỉ tiêu được giao là khoảng 5.300 thợ lò do năm nay ngành than được giao tăng sản lượng sản xuất than.

Anh Hà Quang Minh cho biết, chỉ tiêu của cấp trưởng phòng như anh mỗi năm là khoảng 70-75 thợ lò. Nhiệm vụ chỉ hoàn thành khi bàn giao những thợ lò đủ tiêu chuẩn cho các công ty than, chứ chỉ tuyển dụng rồi đưa lao động về Quảng Ninh để đào tạo thì chưa được tính bởi tỉ lệ bỏ ngang cũng khá.

Mỗi tháng, các cán bộ, nhân viên của Trường Cao đẳng TKV chỉ có khoảng 10 ngày ở nhà, còn lại cứ rong ruổi khắp các bản, làng xa xôi của Tây Bắc và các tỉnh miền Trung.

Tại đây, mỗi người thường đều có một chiếc xe máy gửi nhờ ở nhà dân, để khi quay lại có phương tiện vào các bản, làng tuyển sinh. Mỗi chuyến đi, đều có người của các tổ chức, đơn vị ở đó đi cùng hỗ trợ, theo chương trình hợp tác giữa nhà trường với các huyện ủy, UBND các huyện…

Anh Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, kiêm Trưởng phòng tuyển sinh miền Trung 2 - kể, không ít lần đi vào các bản, làng tuyển sinh thì gặp những đơn vị khác cũng đi săn lùng lao động.

“Cuộc cạnh tranh tìm nguồn lao động ở những bản, làng xa xôi hẻo lánh cũng khắc nghiệt. Mình không nhanh chân, không khéo léo thì rất khó tuyển dụng. 

Mời được các nam thanh niên từ bản, làng về Quảng Ninh đã khó, giữ chân họ ở lại học hành, đào tạo rồi làm việc còn khó hơn”  - anh Thắng tâm sự.

Theo hợp đồng ký kết, người lao động phải làm việc cho các công ty than trong vòng 5 năm mới được chuyển công tác, nhưng theo thống kê, tỉ lệ bỏ việc chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, nhà trường, các công ty than cũng chưa bao giờ yêu cầu người lao động vi phạm hợp đồng phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, gồm: Kinh phí đào tạo sơ cấp 30 triệu đồng/người; kinh phí đào tạo trung cấp 40-60 triệu đồng/người.

“Nhiều khi cũng gửi giấy báo nợ cho cả gia đình, công an địa phương nhưng cũng chỉ để nhắc nhở thôi” - một lãnh đạo Trường Cao đẳng TKV cho biết.

Vấn đề nhân lực, nhất là đội ngũ thợ lò đang là bài toán nan giải đối với ngành than, khi mà càng ngày càng phải xuống sâu dưới lòng đất, trong khi có những vị trí không thể tối đa hóa cơ giới hóa được vì tiết diện nhỏ, địa chất phức tạp, vẫn buộc phải dùng con người.

Việc săn tìm nguồn nhân lực ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa vẫn sẽ là một trong những hướng đi chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn