MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dãy nhà trọ của người lao động tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: AT

Triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà: Mới làm thủ tục đã thấy vướng

ANH THƯ LDO | 12/05/2022 08:43

Quyết định số 08 quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được ban hành từ ngày 28.3.2022, có hiệu lực từ 1.4.2022. Song, đến nay (ngày 10.5), các tỉnh, thành phố mới bắt đầu ban hành kế hoạch, doanh nghiệp cùng các cấp liên quan hướng dẫn đối tượng được thụ hưởng. Trong quá trình hoàn thiện thủ tục, người lao động đã phản ánh những bất cập.

Người lao động gặp khó

Nghe thông tin báo đài về việc người lao động thuê nhà trọ sẽ nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, anh P.X.L - công nhân công ty điện tử ở KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng. Mỗi tháng gia đình anh vẫn phải dành khoản tiền 2 triệu đồng chi trả tiền thuê nhà. Nếu nhận được hỗ trợ này, phần nào giúp gia đình anh P.X.L có thêm một khoản trang trải cuộc sống. Theo anh L, vừa qua, công ty đã có thông báo về chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cho người lao động. Dù vậy, đến nay anh vẫn chưa làm bất cứ giấy tờ gì bởi đọc qua các bước để nhận hỗ trợ đã thấy có vướng mắc.

“Bước đầu tiên người lao động cần hoàn thiện đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có chữ kí của chủ nhà trọ. Bên cạnh đó, chúng tôi cần có xác nhận tạm trú, tạm vắng trong thời gian ở đây trong khi tạm trú tạm vắng đã đăng ý bằng online. Tôi cũng chưa sắp xếp được thời gian trong giờ hành chính để đi làm thủ tục” - anh L nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH điện tử Meko Việt Nam (KCN Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) cho hay, tại công ty, phòng hành chính nhân sự đã hướng dẫn cho công nhân viên làm tờ khai, lập danh sách, thủ tục liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ.

Qua quá trình triển khai, phía Công đoàn nhận được phản ánh của công nhân gặp khó khăn trong việc xin xác nhận của chủ trọ và chính quyền địa phương nơi tạm trú. “Để nhận được hỗ trợ, công nhân cần có chữ kí của chủ trọ và xác nhận của chính quyền địa phương nơi tạm trú - 2 giấy tờ này muốn xin được cũng khá khó vì nhiều chủ trọ không sống ở khu trọ nên người lao động gặp khó khăn trong quá hình hoàn thiện giấy tờ” - ông Hải nói.

Theo vị này, đã hơn 1 tháng chính sách có hiệu lực, đến nay vẫn “triển khai chưa đâu vào đâu”. Công ty khoảng 5.000 công nhân, phần lớn là người thuê trọ. Nếu cần xin xác nhận của địa phương vào giờ hành chính, công nhân phải nghỉ làm. Nếu xin đi xin lại nhiều lần chưa được, những ngày người lao động xin nghỉ cũng bằng số tiền được hỗ trợ.

Sẽ tiếp thu, điều chỉnh nếu có vướng mắc

Liên quan tới thắc mắc về việc xác nhận của chủ nhà trọ, trả lời họp báo về Quyết định số 08 ngày 30.3, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, khi tham mưu chính sách, Cục đã tính tới thực tế sự đa dạng về hình thức thuê trọ, quan hệ giữa chủ nhà và người lao động ở từng địa phương. Khi giải quyết thủ tục nhận hỗ trợ tại địa phương, người thuê trọ cần dựa vào chủ nhà trọ, tổ dân phố, công đoàn cơ sở và công an khu vực và chính quyền địa phương.

Quyết định 08 cũng đã ghi rõ mẫu xác nhận của chủ nhà trọ, doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội. Đây là những căn cứ để trình cơ quan quản lý cấp huyện xem xét tiếp theo.Còn nếu trường hợp chủ nhà không chịu xác nhận, người lao động có thể thông qua chính quyền địa phương để làm rõ thông tin và yêu cầu xác nhận nếu có thời gian thuê trọ phù hợp quy định.

Cục trưởng Cục Việc làm cũng cho biết thêm, trường hợp người thuê và chủ trọ không có văn bản hợp đồng thuê nhà thì chỉ cần chủ nhà xác nhận theo mẫu. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, tỉnh và cơ quan công an xác nhận để làm rõ tình trạng người lao động thuê trọ.

Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực hiện, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp thu và điều chỉnh để chính sách sớm đến với người lao động. “Trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn, họ có thể xác minh được, ngay cả việc thuê trọ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động. Trong quá trình làm, thấy những gì phát sinh, vướng mắc chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp, vì triển khai trong thực tiễn rất phong phú nên chúng ta sẽ có cách điều chỉnh cho phù hợp nhất. Bộ LĐTBXH cùng các ngành có liên quan sẽ làm nhanh nhất, tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động” - ông Thanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn