MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty TNHH Green Apparel Việt Nam lãn công tại xưởng. Ảnh: L.T

Trốn đóng BHXH bằng nhiều chiêu thức tinh vi!

Lê An Nhiên LDO | 20/08/2017 08:08

Trụ sở chính một nơi nhưng hoạt động một nẻo, hoặc chuyển trụ sở lòng vòng qua nhiều địa bàn rồi trốn đóng BHXH cho người lao động (NLĐ)… là cách thức mà nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng. Đáng nói, NLĐ lại đồng thuận hoặc không quan tâm đến quyền lợi BHXH, chỉ đến khi gặp nạn thì mọi việc lại quá muộn màng, phải gánh lấy hậu quả nặng nề.

Bị tai nạn lao động mới biết mình không có BHXH

Một trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động thương tâm được ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, đưa ra tại một buổi làm việc mới đây giữa LĐLĐ tỉnh với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam là ví dụ điển hình cho việc NLĐ mất quyền lợi BHXH. Theo đó, một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột mì có nhà máy đặt tại Tây Ninh, hàng trăm NLĐ làm việc, ăn ở, sinh hoạt, khám chữa bệnh đều ở Tây Ninh. Nhưng mọi chế độ khai báo lao động, đóng BHXH, BHYT lại được thực hiện tại trụ sở chính của DN ở Quảng Ngãi. Khi đoàn cơ quan chức năng Tây Ninh xuống kiểm tra, DN viện lý do khai báo lao động ở trụ sở chính, còn ở Tây Ninh chỉ đặt xưởng sản xuất, ban giám đốc không có mặt để tiếp… Đến khi một công nhân (CN) bị tai nạn lao động, bỏng toàn thân, đưa đi cấp cứu thì mới biết CN không có BHYT.

“Khi CN bị tai nạn lao động, chúng tôi buộc DN phải xuất trình các giấy tờ liên quan, đặc biệt thẻ BHYT để NLĐ được BHYT thanh toán chi phí điều trị thì mới biết là DN không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho CN đó. Mà không chỉ CN đó, tất các CN làm việc ở xưởng bột mì này đều không được tham gia bất kỳ chế độ nào” – Ông Nguyễn Xuân Hồng nói. Vì chi phí điều trị cho CN quá cao nên tổ chức công đoàn đứng ra vận động anh chị em CN quyên góp ủng hộ.

Hiện tượng DN đăng ký một nơi, nhưng hoạt động một nẻo đang gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt xâm phạm quyền lợi NLĐ. Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, chúng tôi rất bức xúc nhưng cơ quan chức năng ở Tây Ninh không xử lý được vì DN hoạt động theo kiểu “quản lý ngành dọc”, mọi việc phải do công ty "mẹ" ở Quảng Ngãi giải quyết. Những bất cập trong cách quản lý DN như vậy hiện nay khiến cho quyền lợi của NLĐ bị “treo”.

Không chỉ mô hình công ty "mẹ - con" mới gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước, nhiều chủ sử dụng lao động còn dùng chiêu đăng ký hoạt động DN tại một tỉnh nhưng lập nhà xưởng ở một tỉnh khác khiến cho công tác quản lý lao động, BHXH, hoạt động công đoàn gặp nhiều khó khăn. Ông Hồng ví dụ, để giải quyết tận gốc vấn đề một DN đăng ký hoạt động ở quận 1, TPHCM nhưng nhà xưởng ở Tây Ninh, ông đã xuống tận TPHCM, đề nghị LĐLĐ quận 1 phối hợp, yêu cầu DN phải thực hiện đúng nghĩa vụ đối với NLĐ. Mặc dù văn phòng ở TPHCM chỉ lèo tèo 2-3 người, cơ sở ở Tây Ninh thì mấy trăm người nhưng họ không đồng ý khai báo lao động ở Tây Ninh với lý do “luật không bắt buộc”. “Đây là một kẽ hở mà chủ DN lợi dụng để xâm phạm quyền lợi NLĐ, rất khó xử lý hiện nay” – ông Hồng nói.

Lòng vòng chuyển xưởng, đổi tên

Hơn 300 CN làm việc tại Cty TNHH Green Apparel Việt Nam (554 đường Lê Văn Khương, Quận 12, TPHCM, 100% vốn Hàn Quốc) là “nạn nhân” của tình trạng DN chuyển xưởng, bỏ mặc “cục nợ” BHXH lại cho NLĐ. Cty TNHH Green Apparel Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2015. Gần cuối tháng 3.2017, ban giám đốc Cty đã tập trung CN lại, thông báo bằng miệng rằng Cty sẽ không hoạt động tại TPHCM, mà chuyển sang Bình Dương. Sau đó, đại diện công ty đến gặp từng CN phát đơn xin nghỉ việc và yêu cầu CN điền thông tin, ký vào. Cán bộ quản lý của Cty còn giải thích cho CN rằng, chỉ khi nào CN làm đơn xin thôi việc thì mới chốt được sổ BHXH và nhận được các chế độ liên quan. Nhiều CN lo ngại sẽ bị mất sổ BHXH nên đã đồng ý điền vào mẫu xin thôi việc do Cty phát ra. Tuy nhiên, sau đó, đại diện BHXH quận 12 khẳng định cơ quan này chưa chốt sổ BHXH cho bất cứ CN nào tại Cty TNHH Green Apparel Việt Nam. Sau đó, khi sự việc chưa được giải quyết, công ty đã lẳng lặng chuyển xưởng xuống Bình Dương, nhiều nữ CN, đặc biệt là CN nữ mang thai đành “ngậm đắng nuốt cay” khi quyền lợi của mình bị mất trắng.

Theo hồ sơ do cơ quan chức năng quận 12 cung cấp, trước đây toàn bộ các CN của Cty Green Apparel Việt Nam ký hợp đồng lao động và làm việc cho Cty TNHH Đi Nô, hoạt động tại số 554 đường Lê Văn Khương, quận 12, do một người có quốc tịch Hàn Quốc làm giám đốc và đại diện pháp luật. Đến tháng 3.2015, ông giám đốc Hàn Quốc này quyết định chuyển nhượng lại cơ sở vật chất cho các ông chủ của Cty TNHH Green Apparel Việt Nam. Trong quá trình thương lượng, tại các buổi làm việc với CN, cả ông chủ Đi Nô và các ông chủ của Green Apparel đều cam kết sẽ thanh toán đầy đủ các khoản nợ BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH quận 12 nhằm giải quyết chế độ cho CN. Vào ngày 15.6.2016, Cty TNHH Green Apparel Việt Nam chính thức được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh tại địa chỉ cũ của Đi Nô. Thế nhưng sau khi đi vào hoạt động, khoản nợ BHXH hơn 2,6 tỷ đồng mà hai bên cam kết thanh toán khi chuyển nhượng đã không được đại diện Green Apparel Việt Nam thanh toán. CN đình công nhiều lần. Cho đến tháng 3.2017 thì chủ ban giám đốc Cty Green Apparel Việt Nam chuyển xưởng về Bình Dương và bỏ lại “cục nợ” BHXH cho NLĐ và ngành BHXH.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM, cho rằng, pháp luật hiện nay quy định DN có quyền chuyển nhượng tài sản nhưng không có quyền chuyển nhượng NLĐ. Trường hợp DN đã bán toàn bộ tài sản và không thể hoạt động nữa thì phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định và thực hiện đúng thủ tục chấm dứt hợp đồng, giải quyết mọi quyền lợi cho NLĐ; trong đó có việc hoàn tất nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; chốt và trả sổ BHXH cho NLĐ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn