MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi vật giá leo thang, mức lương hiện tại của công nhân lao động khó đảm bảo điều kiện sống. Ảnh: Minh Hương

Trông chờ lương tối thiểu vùng tăng

Minh Hương LDO | 21/03/2022 13:40
Hiện nay, mức tiền lương tối thiểu quy định thành 4 vùng, vùng đô thị, mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/người/tháng, vùng 4 thấp nhất là trên 3 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2020 đến nay, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, khi vật giá leo thang, mức lương của công nhân lao động càng khó đảm bảo điều kiện sống, họ phải “thắt lưng buộc bụng” mỗi ngày.

Làm 2, 3 việc một lúc

Hai vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tâm - Công ty TNHH Yamaha (Đông Anh, Hà Nội) làm công nhân đã hơn 10 năm nay. Anh Tâm cho biết, công nhân ở công ty anh sẽ được tăng lương theo doanh thu. 3 năm nay, lương tăng 300-400.000 đồng/người/năm. Công ty sẽ đánh giá lương theo mức S, A, B, C (S là mức tăng cao nhất) rồi chia theo tỉ lệ. Công nhân làm từ 5-6 năm sẽ được nâng P (tay nghề)/lần.  Ngoài tiền lương cơ bản, công nhân còn được phụ cấp đi lại, tay nghề, độc hại, chuyên cần (mỗi loại tương ứng 200.000 đồng); nuôi con dưới 6 tuổi 50.000 đồng/bé.

Có thâm niên làm việc lâu năm, anh Tâm được cất nhắc lên làm tổ trưởng, lương cơ bản mức 10,4 triệu đồng, tổng thu nhập gần 15 triệu đồng; vợ anh lương cơ bản 8 triệu đồng, nếu được tăng ca, tiền lương thêm được 2-3 triệu đồng/tháng.

So với nhiều công nhân mới vào nghề, lương của vợ chồng anh Tâm ở mức khá cao. Song để có được thành quả đó, anh Tâm và vợ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả.

Anh Tâm có 2 bé gái, vì muốn các con sau này có điều kiện học tập tốt hơn nên anh và vợ đã mở cửa hàng kinh doanh chè, đồ ăn vặt gần nơi thuê trọ. Trước đó, vợ anh cũng may thêm quần áo để kiếm thêm thu nhập. Làm 2-3 công việc một lúc, anh Tâm và vợ dù làm công ty mệt thế nào vẫn duy trì quán ăn vặt.

Nếu vợ anh làm ca sáng thì phải thức dậy từ 4 giờ sáng để nấu trước các món chỉ sử dụng được trong ngày. Hôm nào 2 người làm ca khác nhau thì phải thay phiên liên tục, ví dụ chị đi làm về lúc 13 giờ 30 phút thì trước đó anh Tâm phải tạm đóng cửa hàng 30 phút rồi đến công ty làm ca chiều. Còn chị vừa về đến nhà cũng vội thay quần áo để có mặt ở tiệm ngay.

“Thêm việc thêm vất. Quán chè mới đi vào hoạt động thì dịch liên miên. Vợ chồng tôi lấy công làm lãi, hy vọng sau này có nguồn thu nhập tốt hơn” - anh Tâm nói.

Rửa ly chè khách vừa ăn xong, anh Tâm tiếp lời: “2 năm rồi, chưa được tăng lương tối thiểu, công ty tôi vẫn có chính sách tăng lương cho công nhân. Nhưng khi giá cả đều tăng như hiện nay, nhóm công nhân như chúng tôi rất trông chờ vào việc tăng lương. Ít nhiều gì cũng đáng quý”. 

Lương là nguồn sống duy nhất 

Đó là khẳng định của chị Đàm Thị Vân - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh). Ra Hà Nội làm công nhân được hơn 1 năm nay, lương cơ bản của chị Vân ở mức 4,8 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh liên miên, chị Vân không được tăng ca nhiều nên thu nhập chỉ ở mức gần 6 triệu đồng/tháng.

Chị Vân có 1 bé trai 3 tuổi, chồng làm thợ sơn. Hiện cả gia đình thuê trọ ở gần Khu công nghiệp Thăng Long với giá 500.000 đồng/tháng. Căn phòng chật chội vừa đủ kê chiếc giường, tủ quần áo và bếp gas mini. “Phòng tôi thuê phải sinh hoạt chung, khá bất tiện. Nhưng vì giá rẻ nên tôi chưa muốn chuyển đi nơi khác” - chị Vân nói.

Từ ngày trường mầm non đóng cửa vì dịch bệnh, chị Vân lo thêm khoản chi phí khác là tiền gửi con. Mỗi buổi gửi con hết 80.000 đồng, nữ công nhân xót ruột, nhưng cũng không còn cách nào khác.

Chồng chị thu nhập có phần cao hơn, nhưng cuộc sống xa nhà có trăm thứ phải chi tiêu, chị Vân chia sẻ, chị phải “thắt lưng buộc bụng” từng khoản một. “Con thích ăn vặt, uống sữa hơn ăn cơm nên bữa ăn của chúng tôi đơn giản lắm. Bìa đậu, bó rau, quả trứng là xong bữa. Tôi để khoản tiền mua thức ăn để dành mua sữa cho con” - chị Vân cho hay.

Trước đây, chỉ cần 500.000 đồng là chị Vân có thể chi tiêu trong vòng gần một tuần. Trong bối cảnh mặt hàng thiết yếu tăng giá theo giá xăng: “500.000 đồng nhoằng cái hết sạch”.

“Lương đứng yên trong khi mặt hàng gì cũng tăng. Sắp tới nếu có điều chỉnh lương tối thiểu vùng, dù nhiều hay ít, cứ tăng là được. Với những công nhân xa quê đi làm, lương là nguồn sống duy nhất của chúng tôi” - nữ công nhân bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn