MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đây đã là năm thứ 3, chị Tuyết đón Trung thu tại Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trung thu xa xứ của lao động xuất khẩu, du học sinh

PHẠM QUỲNH LDO | 26/09/2023 16:11

Đến tháng 8 Âm lịch hàng năm, những người Việt Nam đi làm ăn xa ở nhiều nơi trên thế giới lại quây quần bên nhau tổ chức Trung thu. Đây là cách để họ nhớ về nguồn cội và an ủi lẫn nhau trong ngày Tết đoàn viên.

Đối với những du học sinh xa nhà, ngoài những trải nghiệm mới về học tập, môi trường sống, khó khăn lớn nhất họ phải đối mặt là nỗi nhớ nhà, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết lớn của quê hương.

Dù không có đầy đủ mâm ngũ quả bánh nướng, bánh dẻo hay tiếng trống của những hội múa lân nhưng họ vẫn cảm nhận được không khí như ở quê hương mình.

Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (quê Hà Nam) hiện đang sinh sống ở Hàn Quốc kể, năm nào vào dịp Trung thu, chị cũng đến khu chợ người Việt để vui chơi cho vơi nỗi nhớ nhà.

Trên các quầy hàng, những chiếc bánh Trung thu do chính người Việt Nam làm được bày bán thu hút đông đảo người dân Việt và nước bạn đến mua.

Chị Phương bày tỏ: "Có đến đây mới thấy được tấm lòng của bà con luôn hướng về cội nguồn đất mẹ. Tôi thấy rất tự hào về quê hương".

Đã hơn 3 năm trôi qua, chị Phạm Thị Ngọc Tuyết (SN 2000, quê Thái Bình) - du học sinh Nhật Bản chưa được trở về đoàn viên cùng gia đình. Dịp Tết Trung thu nói riêng và tất cả những dịp lễ, Tết trong năm đều khiến chị nhớ về vùng quê lúa da diết.

Mỗi khi lướt mạng xã hội Facebook, thấy những hình ảnh người thân, bạn bè ở nhà đi chơi, đi xem múa lân, ngắm trăng…, đôi khi chị Tuyết cũng cảm thấy khá tủi thân.

Để chị có thể sang Nhật Bản học tập, gia đình chị đã phải gom góp, vay mượn tiền bạc. Với sinh viên du học tự túc như chị Tuyết, mỗi khoản chi là một gánh nặng cho gia đình. Để đỡ đần bố mẹ, chị Tuyết đi làm thêm tại các quán ăn mỗi khi rảnh rỗi.

Những món ăn Việt Nam của chị Tuyết và bạn cùng phòng chào đón Tết Trung thu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Tuyết kể: "Mọi năm trước, tôi đều tranh thủ nghỉ làm một hôm, tụ tập với bạn bè ở đây. Chúng tôi sẽ đến một khu chợ người Việt để đi dạo, mua một vài món đồ quen thuộc như đèn lồng, bánh Trung thu mang về ký túc xá để kỷ niệm ngày lễ. Tôi cũng gọi video về nhà để đỡ nhớ bố mẹ, nhớ quê hương".

Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Phạm Thị Thảo (SN 1999), một lao động xuất khẩu, quê tại Nam Định, vẫn cảm nhận sự đầm ấm của ngày Tết đoàn viên.

Theo chị Thảo, cách đón Trung thu của người Đài Loan có vài nét khá giống người Việt Nam. Ở đây, chị cũng dễ dàng tìm mua và thưởng thức bánh Trung thu với nhiều hương vị khác nhau.

Năm nay, theo lịch công ty, chị Thảo vẫn sẽ làm việc vào ngày lễ Trung thu. Chị dự định, sau khi tan làm sẽ cùng bạn bè đi ăn các món ăn đường phố, cùng ngắm trăng và chia sẻ với nhau những câu chuyện thời thơ ấu.

4 năm “tha hương cầu thực” chưa dám về quê một lần, chị Thảo chỉ mong đều đặn mỗi tháng có một khoản tiền gửi về cho gia đình.

Bố mất sớm, chỉ còn mẹ, các em và bà nội đã già yếu nên chị Tuyết không có nhiều sự lựa chọn. Là trụ cột chính trong nhà, chị luôn cố gắng làm lụng, tăng ca, chắt chiu từng đồng tiền để gửi về quê.

“Những người đi làm xa quê nhiều năm như tôi chỉ mong bản thân và gia đình có một cuộc sống đầy đủ, ấm no hơn. Tôi sẽ trở về Việt Nam đoàn viên với gia đình trong năm tới" - chị Thảo chia sẻ.

Vào dịp Tết đoàn viên, những người Việt xa quê đi học, đi làm tại nước ngoài không được ở bên gia đình. Với họ, chỉ cần lòng hướng về cội nguồn thì ở đâu cũng không thấy cô đơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn