MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài việc tạo điều kiện của doanh nghiệp, Công đoàn thì người lao động phải tự học hỏi, nâng cao tay nghề để làm chủ được máy móc hiện đại. Ảnh: HẢI LINH

“Tự phấn đấu là rất quan trọng”

XUÂN TRƯỜNG - VŨ HẢI (Ghi) LDO | 15/10/2018 11:00
“CĐ Việt Nam và việc làm của NLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là chủ đề của một trong 12 trung tâm thảo luận tại Đại hội XII CĐ Việt Nam. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ CĐ các cấp cũng như của NLĐ.

Bởi bên cạnh nỗ lực tự phấn đấu của NLĐ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của doanh nghiệp, CĐ.

PV Báo Lao Động đã ghi nhận ý kiến của một số CNLĐ trực tiếp và cán bộ CĐ xung quanh vấn đề này. 

Anh Huỳnh Long Tuấn - thợ bảo trì máy dệt, TCty Việt Thắng - CTCP:

Để hưởng ứng chủ trương đột phá cho DN, đặc biệt tự nâng tầm của mình để đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nền kinh tế trí tuệ nhân tạo, bản thân tôi thấy mình cũng như CNLĐ nói chung cần nâng cao ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, làm việc đảm bảo ngày công, giờ công. Phải không ngừng tìm tòi kiến thức trên mạng, học hỏi những người có trình độ tay nghề tốt hơn mình để tự nâng cao tay nghề cho mình.

Với xu hướng phát triển hiện nay, NLĐ cần trang bị cho mình tiếng Anh, tin học để thuận lợi hơn trong tiếp cận, thao tác công nghệ mới. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách đào tạo trình độ tay nghề cho CNLĐ.

Tổ chức CĐ các cấp cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và có chương trình, đề án đào tạo tay nghề cho CNLĐ. DN cần đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc an toàn cho CNLĐ.

Chị Hoàng Thị Hải - công nhân trực tiếp, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định:

Tự phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của CNLĐ là rất quan trọng. Để nâng cao trình độ tay nghề, bản thân tôi luôn tìm tòi, bổ sung kiến thức qua nhiều kênh và học hỏi tay nghề ở các đồng nghiệp. CNLĐ cần phải đoàn kết, giúp đỡ nhau để tiến bộ về tay nghề.

Phía CNLĐ cần làm việc có kỷ luật, tác phong công nghiệp; luôn tìm tòi, nghiên cứu để có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm của DN để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Phía các DN cần đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc an toàn cho CNLĐ; đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất; khen thưởng kịp thời những CNLĐ có sáng kiến mang lại hiệu quả sản xuất cho DN để động viên các phong trào thi đua trong DN mình.

Anh Trần Quang Hải - công nhân Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội:

Mỗi CNLĐ cần xác định trách nhiệm của mình với công việc, nâng cao ý thức kỷ luật trong lao động, có tác phong công nghiệp và đặc biệt không ngừng tự tìm tòi, học hỏi (qua mạng, qua đồng nghiệp) để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho mình. Các CĐCS cần đẩy mạnh tuyên truyền và đề xuất DN đổi mới công tác khen thưởng.

Những CNLĐ có sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả trong sản xuất cần được khen thưởng kịp thời, thậm chí là khen thưởng nóng trong ngày (mặc dù tiền khen thưởng nóng chỉ khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng) nhưng giúp CNLĐ cảm thấy được khích lệ lớn để có động lực mạnh mẽ cho những sáng kiến, sáng tạo tiếp theo.

Anh Nguyễn Thế Thiệu - Chủ tịch CĐ ngành Xây dựng Hà Nội:

Với các cấp CĐ, nhất là CĐCS và CĐ cấp trên cơ sở, cần vận động DN ngoài việc dành kinh phí để đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị, còn dành kinh phí cho đào tạo và đào tạo lại trình độ chuyên môn, tay nghề cho CNLĐ; thường xuyên cập nhật các thông tin, kiến thức mới liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình.

Các cấp CĐ cần duy trì, mở rộng việc tổ chức thi thợ giỏi với nhiều ngành nghề khác nhau để CNLĐ trên các lĩnh vực đều được thi, giao lưu, học hỏi nâng cao tay nghề.

Chị Phạm Thị Phượng - Phó Chủ tịch CĐCS Công ty CP ALK Vina (Thái Nguyên):

CĐ Cty tích cực tuyên truyền về vấn đề học tập nâng cao trình độ cho NLĐ đặc biệt trước thách thức của cách mạng 4.0. CĐ Cty có những trao đổi, đề đạt với lãnh đạo Cty để hằng năm tổ chức cho NLĐ được học tập, được các chuyên gia Hàn Quốc tới đào tạo, chia sẻ về chuyên môn nhằm nâng cao tay nghề, vận hành những dây chuyền hiện đại. Thời gian học tập, đào tạo, Cty vẫn trả đầy đủ lương cho NLĐ.

Đặc biệt với những công nghệ, dây chuyền mới hiện đại được nhập về từ Hàn Quốc, hoặc máy móc mới sắp được Cty nhập về đưa vào sản xuất, CĐ Cty cùng chuyên môn lựa chọn những NLĐ ưu tú cử đi học tại Hàn Quốc. Đặc biệt, trước và sau khi học tập tại nước ngoài, NLĐ không phải ký cam kết làm việc cho Cty trong thời hạn nào đó. Vì vậy, NLĐ hết sức phấn khởi, không chịu bất cứ một áp lực nào.

Chi phí học tập tại nước ngoài hoàn toàn do DN chịu. Sau khi được đào tạo, NLĐ trở về nước, tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm cho những công nhân khác để cùng nhau nắm bắt công nghệ mới, vận hành dây chuyền hiện đại, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn