MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đào Trần Đông - Phó Chủ tịch CĐ Các KCN Bình Dương tư vấn cho công nhân lao động Công ty TNHH Triumph International Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Từ vụ công nhân Công ty Triumph ngừng việc: Tăng cường đối thoại, bảo vệ lợi ích người lao động

Đình Trọng LDO | 28/03/2022 10:00
Vụ việc 2.700 công nhân  Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (gọi tắt là Công ty Triumph) đóng tại KCN Sóng Thần 1, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, ngừng việc đề nghị giải quyết việc nâng lương hằng năm, cho thấy, đang tiềm ẩn các cuộc ngừng việc trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn và bão giá. Cuộc thương lượng bảo vệ lợi ích của công nhân Công ty Triumph cũng để lại nhiều kinh nghiệm.

Thương lượng kéo dài 5 ngày 

Ngày 27.3, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương cho biết, quan hệ lao động tại Công ty Triumph đã tạm ổn định, công nhân lao động trở lại nhà máy làm việc. .

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, công nhân trở lại nhà máy làm việc sau 5 ngày ngừng việc tập thể để yêu cầu công ty này giữ nguyên mức nâng lương hằng năm là 5% (ban đầu công ty đưa ra mức nâng lương năm 2022 là 3%).  Sau 5 ngày thương lượng,  Công ty Triumph quyết định tăng thêm 1% từ tháng 1.2022 và đồng ý tính 5 ngày ngừng việc vào thời gian nghỉ phép năm.

Ông Đào Trần Đông - Phó Chủ tịch Công đoàn Các KCN Bình Dương là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp tư vấn cho công nhân lao động. Ông Đông phân tích cho NLĐ tại công ty hiểu khó khăn doanh nghiệp đang phải trải qua; các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thương thảo để bảo vệ lợi ích cao nhất cho NLĐ.

Ông Đông cho biết, Công đoàn cùng các cơ quan đã trải qua 5 ngày thương thảo. Công ty Triumph đã hoạt động tại Bình Dương 27 năm, từng xảy ra ngừng việc nhưng chỉ 2 đến 3 ngày là kết thúc, tuy nhiên lần này kéo dài 5 ngày. 

“Khi bên mình là ngày thì Tây Âu là đêm. Các nội dung lương lượng của mình với công ty ở Việt Nam vào ban ngày thì khoảng 0h ở Việt Nam, lãnh đạo của doanh nghiệp ở Tây Âu mới họp bàn và đưa ra quyết định. Đây cũng là điểm gây khó khăn trong quá trình thương lượng dẫn đến thời gian thương lượng kéo dài.

Khoảng 0h ngày 25.3 (ngày thứ 5 ngừng việc), tập đoàn mới đồng ý tính 5 ngày ngừng việc vào thời gian nghỉ phép năm. Nội dung quyết định cần dịch và diễn giải ra tiếng Việt để công nhân dễ hiểu, lúc đó họ gọi điện thì mình cũng phải thức để trao đổi với doanh nghiệp” - ông Đông cho biết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng thị trường xuất khẩu và nguyên liệu sản xuất nên rất áp lực, khi công nhân ngừng việc không tạo nhiều áp lực lên giới chủ khó để mau chóng thống nhất các nội dung thương thảo. Hơn nữa, tổng giám đốc điều hành ở Việt Nam không quyết định được các nội dung nên phải chờ để lấy ý kiến của tập đoàn.

Trong vụ việc ở Công ty Triumph, ông Đông cho biết, khi thương thảo phải chứng minh cho người sử dụng lao động thấy giá nhu yếu phẩm tăng cao, nếu lương không tăng thì sẽ không đủ cho NLĐ trang trải cuộc sống. NLĐ nhảy việc, đi tìm công ty lương cao hơn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lâu dài của doanh nghiệp.

“Chúng tôi lập bảng thống kê về giá mặt hàng nhu yếu phẩm biến động theo giá xăng trong 2 năm qua và đưa ra thông tin cho doanh nghiệp thấy nếu không điều chỉnh lương lúc này thì đời sống NLĐ sẽ không đảm bảo và xảy ra tình trạng nhảy việc. Thay bằng bỏ chi phí để tuyển lao động mới thì sử dụng tiền đó để chăm lo cho người lao động đang làm việc, từ đó họ gắn bó với công ty”, ông Đông chia sẻ.

Chọn đúng “điểm rơi” đưa ra đề nghị và văn bản hóa các chính sách phúc lợi tại dN

Từ sự việc ở công ty trên, cho thấy, muốn doanh nghiệp đồng ý tăng lương thì phải chọn đúng “điểm rơi”.

Theo Công đoàn KCN Bình Dương, khi doanh nghiệp nhiều đơn hàng, nhiều việc, sản xuất thuận lợi và lương thấp thì công nhân lao động có thể đưa ra đề nghị. Yêu cầu của người lao động trong lúc này dễ được doanh nghiệp đáp ứng hơn. Thời điểm doanh nghiệp ít hàng, lại gặp khó khăn thì người sử dụng lao động khó đồng ý chấp thuận đề nghị.

Để làm cơ sở đề nghị thương lượng tăng lợi ích cho công nhân thì công đoàn cơ sở cần có biện pháp để doanh nghiệp xác lập bằng văn bản.

Theo ông Đông, các vấn đề thỏa ước (bữa ăn ca, ngày nghỉ), tăng lương hằng năm, hợp đồng lao động, nội quy công ty... các chính sách phúc lợi này cần đưa ra văn bản làm căn cứ pháp lý. Đây là cơ sở pháp lý để khi thay đổi tổng giám đốc điều hành thì có căn cứ để đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Hoặc khi xảy ra tranh chấp về lợi ích thì văn bản xác lập về phúc lợi trước đó cũng là cơ sở để tiếp tục thương lượng.

Tăng cường đối thoại

Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, trong quý I/2022, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tranh chấp lao động tập thể với 5.543 người tham gia. Hiện nay, ảnh hưởng của dịch bệnh và bão giá tiềm ẩn nhiều vụ việc tranh chấp lao động. LĐLĐ tỉnh Bình Dương đề nghị công đoàn cấp trên, CĐCS tăng cường các biện pháp đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động tăng chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động trong thỏa ước lao động tập thể. Tuyên truyền với cả người lao động và người sử dụng lao động về chính sách lương thưởng làm sao cho hài hòa lợi ích của các bên trong bối cảnh “bão giá”. Đ.Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn