MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân từng làm cho Công ty Minh Quân bị nợ lương cả nửa năm. Ảnh: M.Phương

Từ vụ Công ty Minh Quân: Doanh nghiệp được chậm trả lương trong bao lâu?

Bảo Hân LDO | 27/06/2021 10:32

Vụ việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân nợ lương hàng trăm công nhân môi trường đã đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp được chậm trả lương trong bao lâu và người lao động cần làm gì trong trường hợp này?

Quy định của luật về trả lương

Như báo chí đã đăng tin, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân) nợ lương công nhân môi trường trong nhiều tháng. Việc nợ lương này khiến nhiều công nhân môi trường phải vay lãi, nhặt ve chai, làm thêm nhiều công việc khác để chi trả cho cuộc sống.

Sau đó, Công ty Minh Quân (đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) đã tạm ứng trả lương cho công nhân số tiền 500 triệu đồng; các khoản còn lại cam kết sẽ thanh toán trước ngày 10.7.2021.

Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vậy người sử dụng lao động được chậm trả lương người lao động trong bao lâu?

Theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải trả lương đúng hạn, đầy đủ cho người lao động. Bên cạnh đó, kỳ hạn trả lương được quy định như sau:

- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Ngoài ra, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;

Như vậy, người sử dụng lao động phải trả lương đúng hạn theo quy định trên và chỉ được nợ lương không quá 30 ngày trong trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, nếu người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi công ty mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Về vấn đề xử phạt, căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau:

- Từ 5-10 triệu đồng: Vi phạm từ 1-10 người lao động;

- Từ 10-20 triệu đồng: Vi phạm từ 11-50 người lao động;

- Từ 20-30 triệu đồng: Vi phạm từ 51-100 người lao động;

- Từ 30-40 triệu đồng: Vi phạm từ 101-300 người lao động;

- Từ 40-50 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Người lao động có thể khởi kiện buộc doanh nghiệp trả lương

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Văn phòng luật Hừng Đông - cho biết, luật không quy định về việc doanh nghiệp được nợ lương trong bao lâu, nhưng các bên thoả thuận trong hợp đồng lao động về thời điểm trả lương (5 ngày đầu tháng hay ngày cuối tháng…).

Nguyên tắc là người sử dụng lao động phải thực hiện đúng cam kết với người lao động. Ví dụ, nếu chủ sử dụng lao động cam kết trả lương trong 5 ngày đầu tháng thì phải thực hiện đúng cam kết trên.

Về vụ việc tại công ty Minh Quân, ông Toại cho biết, khi bị nợ lương, trước hết, công nhân môi trường làm đơn kiến nghị hoặc gặp công đoàn cơ sở doanh nghiệp đề nghị tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ người lao động, từ đó công đoàn sẽ làm việc với doanh nghiệp hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước. Nếu công đoàn cơ sở không giải quyết được, người lao động có thể khởi kiện ra toà buộc doanh nghiệp trả lương cho mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn