MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tiếng Hàn tổ chức ở Việt Nam. Ảnh tư liệu: Anh Thư

Từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng, thu nhập cao

ANH THƯ LDO | 03/02/2022 07:01
Bên cạnh những thị trường lao động truyền thống, sẽ từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thu nhập cao cho người lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, năm 2022, một số thị trường lao động đi làm việc nước ngoài rộng mở, tạo cơ hội việc làm mới cho người lao động.

Theo cục này, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc đã họp và thống nhất chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS, đồng thời, công bố một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022.

Tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS Hàn Quốc sẽ tiếp nhận trong năm 2022 được quyết định ở mức 59.000 người.

Theo thông tin từ Bộ Nhân lực Singapore, từ tháng 8.2021 đến tháng 8.2022, bộ này thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến dưới hình thức visa Work Permit.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho hay, kể từ ngày 1.12.2021, lao động nước ngoài trước khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc) được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm COVID-19 với thời hạn bảo hiểm là 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Mức bồi thường bảo hiểm là 500.000 Đài tệ.

Trong năm 2022, cục này sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và bộ giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Cục Quản lý lao động ngoài nước hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.

Bên cạnh đó, theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan hữu quan và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn luật…

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu duy trì, ổn định thị trường lao động truyền thống, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như Châu Âu, Australia, Israel.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng nhiều mặt của đại dịch COVID-19… 

Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho hay, các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam.

Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người lao động Việt Nam đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ của mình trong thị trường lao động vốn đòi hỏi cao tại các quốc gia phát triển này.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

45.058 lao động được đưa đi làm việc nước ngoài trong năm 2021. Với con số này, chỉ đạt 50,06% kế hoạch được giao năm 2021 (cụ thể là 90.000 lao động).

Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như sau: Đài Loan (Trung Quốc) là 19.531 lao động; Nhật Bản là 19.510 lao động; Hàn Quốc là 1.036 lao động; Singapore là 713 lao động nam...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn