MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghỉ hưu, nhưng do lương hưu thấp, bà Nguyễn Thị Thuý Nga (Tuyên Quang) vẫn phải đi làm công việc trông trẻ để có thêm thu nhập. Ảnh: NVCC

Tuổi già chật vật khi lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu

Bảo Hân LDO | 25/10/2022 08:51

Đóng bảo hiểm xã hội trên nền lương thấp, thời gian tham gia chưa nhiều nên nhiều người lao động khi về hưu chỉ nhận lương hưu dưới mức lương tối thiểu. Cuộc sống khó khăn khiến họ buộc phải tiếp tục đi làm, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, mang trong mình nhiều bệnh tật.  

Lương hưu hơn 2 triệu đồng, nuôi con 5 triệu đồng  

Đọc được nhiều bài viết trên Báo Lao Động về tỉnh cảnh của những người về hưu trước năm 1995 có lương hưu thấp, bà Nguyễn Thị Thuý Nga (trú Tuyên Quang) rất đồng cảm.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nga cho biết, có những người về hưu chỉ mới đây như bà cũng có lương hưu thấp, cuộc sống rất chật vật, khó khăn. 

Trước đây, bà Nga làm công nhân tại một nhà máy đường thuộc doanh nghiệp nhà nước. Có thời gian hơn 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu vào năm 2019, bà chỉ được nhận mức lương hưu rất thấp, ở mức 2.044.000 đồng/tháng.

Đầu năm 2022, bà được tăng lên mức 2.200.000 đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang là 3.640.000 đồng/tháng.

“Do khi trong thời gian làm việc, những công nhân như tôi chỉ được đóng bảo hiểm xã hội trên nền lương thấp. Trong thời gian dài, công ty không tạo điều kiện cho chúng tôi được nâng bậc lương” - bà Nga lý giải vì sao mức lương hưu của mình lại thấp như vậy.   

Hiện người phụ nữ này phải một mình nuôi con đang học đại học ở Thái Nguyên. Mỗi tháng, bà phải gửi cho con khoảng 5 triệu đồng trang trải cuộc sống sinh viên.

Nếu chỉ có lương hưu, bà không thể đủ tiền nuôi con học đại học, vì vậy, bà phải đi làm thêm công việc trông trẻ, dọn nhà.

“Mỗi tháng, tôi được trả 5 triệu đồng. Có nhiều lần con xin tiền nhưng chưa có, tôi phải ứng trước tiền lương của chủ nhà để gửi kịp cho con” - bà kể, rồi nói thêm, con bà đang muốn mua chiếc máy tính phục vụ cho việc học tập mà bà chưa biết xoay xở ở đâu.  

Không chỉ nuôi con, người phụ nữ này còn tốn nhiều tiền để mua thuốc khi mang trên mình nhiều bệnh tật của tuổi già. Nhiều lần kẹt tiền, bà không dám đi khám tại bệnh viện mà chỉ tự đi lấy những thang thuốc nam (ít tiền hơn) để chữa trị.

Ngoài ra, bà còn phải chi nhiều khoản khác, như đám hiếu hỷ… 

“Tôi rất lo lắng khi nghĩ đến sau này khi sức yếu đi, nhiều bệnh tật, không đi làm thêm được nữa. Tôi mong nhà nước có chính sách hỗ trợ những người có lương hưu quá thấp như chúng tôi để đảm bảo cuộc sống của những người như tôi” - bà Nga bày tỏ.  

Mong lương hưu ít nhất bằng lương tối thiểu 

Cũng trong tình cảnh tương tự với bà Nga, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (trú phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang). Làm cùng công ty với bà Nga, bà Hiền nhớ lại, khi còn làm việc, 1 tháng trung bình bà có thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng; tháng cao nhất là 7-8 triệu đồng.

“Công ty tính lương cho công nhân theo sản phẩm, nhưng đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương thấp” - bà Hiền cho biết. 

Năm 2020, dù chưa đủ tuổi về hưu (mới 50 tuổi), bà đi giám định sức khoẻ để được về hưu sớm. Kết quả suy giảm sức khoẻ 74%, bà được hưởng lương hưu với tỉ lệ 45%.

“Hiện mỗi tháng, tôi nhận lương hưu là 2.159.000 đồng. Với số tiền này, chỉ đong gạo, mua rau cho gia đình cũng đã hết rồi. Tôi phải chi tiêu rất tằn tiện, nhưng lương hưu chỉ khoảng 10-20 ngày là hết” - bà Hiền cho hay.

Bà Hiền còn phải phụng dưỡng mẹ già, năm nay đã tuổi cao, sức yếu.  

Từ khi về hưu, bà Hiền phải đi làm thêm công việc như dọn dẹp nhà cửa, nhưng do sức yếu, nên hiện bà đã bỏ. Chồng bà hiện vẫn đang đi làm, nhưng mức lương cũng rất thấp, nên sau này về hưu, lương hưu cũng sẽ rất thấp. Thường xuyên đau ốm, người phụ nữ này hàng tháng còn phải chi số tiền không nhỏ để mua thuốc. Con bà Hiền (đang làm ở Hà Nội) thi thoảng phải gửi tiền về để hỗ trợ bố mẹ già. 

“Điều tôi lo lắng nhất là sức khoẻ yếu đi theo thời gian, tiền mua thuốc, trị bệnh theo đó cũng nhiều lên, trong khi lương hưu quá thấp. Tôi mong có chính sách điều chỉnh lương hưu thấp của những người như chúng tôi ít nhất bằng với mức lương tối thiểu để đỡ đi phần nào khó khăn, bớt lo lắng khi tuổi đã già” - bà Hiền bày tỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn