MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
học viên tham gia khóa học đào tạo nghề hàn trong một cơ sở dạy nghề tại Tuyên Quang. Ảnh: Văn Tùng

Tuyên Quang sẽ giải quyết việc làm cho 22.550 lao động trong năm 2024

Nguyễn Tùng LDO | 21/03/2024 08:22

Đẩy mạnh đào tạo nghề thời gian qua đã giúp nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi. Qua đó, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân và hình thành nguồn lao động chất lượng, có tay nghề cho các doanh nghiệp.

Có nghề dễ kiếm việc

Sau khóa học nghề hàn tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, anh Quan Văn Hậu (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã được một công ty cơ khí ở TP Tuyên Quang nhận vào làm với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng. So với những công việc tự do anh Hậu đã từng làm, đây là mức thu nhập khá ổn định.

“Trước đây tôi làm một số công nghiệp thời vụ như giao hàng, xây dựng... thu nhập lúc cao lúc thấp. Qua bạn bè giới thiệu, tôi đi học nghề hàn mong có được một công việc ổn định, cũng may học xong thì có việc làm luôn. Ở xưởng cơ khí này người ta chỉ tuyển những người đã có nghề chứ chưa biết việc thì rất khó xin vào”, anh Hậu chi sẻ.

Đầu năm 2023, chị Ma Thị Thu (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) tham gia khóa học may ngắn hạn theo chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp tại địa phương, mục đích ban đầu là có nghề rồi tự mở hiệu may. Tuy nhiên khi vừa học xong cũng là thời điểm công ty may gần nhà đăng tuyển lao động, chị Thu được nhận vì đã qua đào tạo, biết may cơ bản.

Chị Thu cho biết: “Công ty họ tuyển lao động phổ thông nhưng ưu tiên những người đã biết việc hoặc được đào tạo về nghề may. Sau khi thử tay nghề thì tôi được nhận luôn, lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng, vừa làm vừa được học thêm. Đúng là được đào tạo nghề thì cơ hội kiếm việc cũng cao hơn”.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh, phụ trách tuyển dụng cho một công ty sản xuất giày da xuất khẩu tại Tuyên Quang, tỉ lệ lao động biết việc hoặc đã qua đào tạo nghề tại địa phương những năm gần đây đã cao hơn trước. Lao động đã biết việc thì lương khởi điểm cũng cao hơn và doanh nghiệp đỡ tốn thời gian, chi phí đào tạo.

“Doanh nghiệp chúng tôi hiện có khoảng 700 lao động, phần lớn đầu vào đã được đào tạo nghề và cơ bản biết việc. Những lao động đã được đào tạo nghề may hoặc một số nghề tương tự khi chuyển đổi cũng dễ dàng hơn. Hiện nay việc tuyển dụng lao động đã biết việc, có tay nghề tại khu vực miền núi đã không còn khó khăn như trước”, ông Huỳnh chia sẻ.

Kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Tuyên Quang, địa phương này có 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Những người được hỗ trợ học nghề là người có nhu cầu học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp...

Trao đổi với PV, ông Tô Hoàng Linh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang - cho hay, năm 2024 tỉnh đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.550 lao động với tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, trong đó tỉ lệ có bằng, chứng chỉ là 28%. Hiện nay các địa phương đang rà soát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của NLĐ trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng học sinh THPT mới tốt nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp.

“Mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang đến hết năm 2025 phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, chúng tôi xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ góp phần quan trọng tạo sinh kế bền vững và từng bước kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo” - ông Tô Hoàng Linh thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn