MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Mầm non Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TIẾN NGUYỄN

UBND huyện Thanh Miện phớt lờ chỉ đạo của tỉnh Hải Dương

TIẾN NGUYỄN LDO | 13/06/2017 07:30
14 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Bích (Giáo viên trường mầm non Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã gửi hàng trăm lá đơn đến các cấp chính quyền đòi quyền lợi chính đáng cho mình, nhưng đến nay vẫn vô vọng… Nhận được đơn kêu cứu, PV Báo Lao Động đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc.
Quyết định thôi việc trên trời

Ngày 20.3.2003, bà Phạm Thị Lào (Hiệu trưởng trường mầm non Ngũ Hùng) đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) số 02 với chị Nguyễn Thị Bích, trong đó nêu rõ “thời gian làm việc theo quy định về biên chế trường mầm non”. Tuy nhiên, khi HĐLĐ còn chưa ráo mực thì ngày 4.4.2003, UBND xã Ngũ Hùng lại ban hành quyết định “đưa ra khỏi ngành” đối với giáo viên mầm non vi phạm khuyết điểm vì “chị Nguyễn Thị Bích có động cơ cá nhân khi viết đơn có nội dung thiếu trung thực, gửi đơn vượt cấp, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường và tập thể giáo viên”. Tiếp đó, UBND xã Ngũ Hùng liên tục ban hành thêm hai quyết định về việc “thành lập hội đồng xét kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Bích” và quyết định “chuẩn y hình thức kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Bích nguyên là giáo viên trường mầm non” và quyết định về việc “xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Bích”.

Theo chị Nguyễn Thị Bích, việc UBND xã ban hành các quyết định khó hiểu trên bắt nguồn từ năm 2003 khi trường Mầm non Ngũ Hùng tổ chức bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm đề bạt thêm một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Trong đó chị Bích là một trong ba giáo viên được lấy phiếu tín nhiệm. Người đứng ra tổ chức cuộc bỏ phiếu là Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng Nguyễn Văn Nhâm và Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Miện Vũ Thị Xuyên. Do bà Xuyên phổ biến sai tiêu chuẩn quy định của điều lệ mầm non, nên kết quả lấy phiếu tín nhiệm có dấu hiệu không công bằng. Chị Bích đã viết đơn đến chính quyền xã và ngành giáo dục huyện Thanh Miện phản đối việc làm không minh bạch đó. Cùng ký đơn với chị còn có 18 giáo viên khác của Trường Mầm non Ngũ Hùng. Sau đó, UBND xã đã ra các quyết định kỷ luật chị Bích như trên.

“Tôi là giáo viên được trường mầm non bán công Ngũ Hùng ký HĐLĐ đàng hoàng, giảng dạy tại trường ổn định trong nhiều năm, vậy mà không hiểu sao UBND xã Ngũ Hùng lại cho mình cái quyền buộc tôi phải nghỉ việc. Trong khi đó, người sử dụng lao động là nhà trường thì chưa từng ban hành văn bản nào chấm dứt HĐLĐ đối với tôi” - chị Bích bức xúc.

Huyện, xã “ngó lơ” ý kiến chỉ đạo của chủ tịch tỉnh

Sau hàng trăm lá đơn gửi các cấp từ T.Ư đến địa phương, ngày 13.9.2005, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Bùi Thanh Quyến đã ban hành Quyết định số 4045 ngày 13.9.2005 về việc “giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bích”. 

Trong đó giao “Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện chỉ đạo phòng GDĐT yêu cầu bà Vũ Thị Xuyên, Phó phòng giáo dục phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc đưa ra tiêu chuẩn sai quy định tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm chức danh hiệu phó trường mầm non bán công Ngũ Hùng ngày 11.1.2003 và chỉ đạo UBND xã Ngũ Hùng yêu cầu hội đồng xét duyệt tham gia BHXH, BHYT của xã Ngũ Hùng năm 2003 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc yêu cầu bà Nguyễn Thị Bích phải khai báo vào lý lịch những khuyết điểm khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện xét duyệt cho bà Nguyễn Thị Bích tham gia BHXH và BHYT theo chính sách hiện hành”.

Nhưng “ngó lơ” ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Thanh Miện và xã Ngũ Hùng không thực hiện theo quy định. Chị Bích tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Ngày 17.8.2007, Thanh tra tỉnh Hải Dương có báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, chỉ rõ “UBND xã Ngũ Hùng không cho bà Bích tiếp tục dạy học và không làm hồ sơ để bà Bích đóng BHXH và BHYT theo quy định là trái với quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh”. 

Cũng theo kết luận thanh tra, trong tháng 8.2007, huyện Thanh Miện phải chỉ đạo xã Ngũ Hùng tiến hành bố trí cho bà Bích trở lại dạy học bình thường tại trường mầm non Ngũ Hùng và làm thủ tục hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền duyệt cho bà Bích được tham gia đóng BHXH, BHYT theo quy định”.

Ngày 4.9.2007, Hiệu trưởng trường mầm non bán công Ngũ Hùng Phạm Thị Lào đã ký HĐLĐ với chị Nguyễn Thị Bích. Tuy nhiên sau khi xử lý oan sai, chị Bích lại không được các cấp có thẩm quyền xét xác nhận thời gian công tác từ tháng 4.2003 đến tháng 8.2007 để được hưởng BHXH, BHYT trong thời gian bị đuổi oan sai, với lý do lãng xẹt “không lao động thì không được hưởng”.

Cũng theo chị Bích, việc cố tình làm sai của lãnh đạo xã và trường mầm non đến nay vẫn chưa bị xử lý kỷ luật còn việc phục hồi bồi thường tổn thất oan sai đối với chị thì dường như các cơ quan chức năng của huyện Thanh Miện và xã Ngũ Hùng đang “bỏ qua”, do vậy chị mới tiếp tục làm đơn kiến nghị.

Quyền lợi người lao động bị bỏ ngỏ?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng, ông Bùi Văn Hùng cho rằng: Vụ việc xảy ra từ năm 2003, trong nội bộ nhà trường, các cấp chính quyền đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm nên công dân vẫn kiến nghị. Ông Hùng cho biết: Những người làm trước đây ở xã, trường mầm non thì đã nghỉ hưu hết nên không có cơ sở giải quyết. Địa phương đã nhiều lần gặp gỡ chị Bích để trao đổi, giải quyết vụ việc nhưng không có kết quả. “Địa phương chỉ quản lý về hành chính và cơ sở vật chất, còn về con người và công việc chuyên môn thì do các cơ quan chức năng của huyện quản lý” - ông Hùng nói.

Phóng viên Báo Lao Động đã đặt lịch hẹn và liên lạc nhiều lần nhưng ông Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Miện luôn trả lời là lãnh đạo huyện đã kín lịch và không bố trí ngày làm việc cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn