MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: ĐT

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất: Lao động làm gì để không bị đào thải?

ANH THƯ LDO | 03/11/2021 14:31
Sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất tại Việt Nam như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động. Trước sức ép của chuyển đổi số, người lao động buộc phải nâng cao trình độ, đáp ứng những yêu cầu mới của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, lực lượng lao động toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thế giới việc làm, được đẩy nhanh bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có tới 38% doanh nghiệp trên toàn cầu đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa và tự động hóa dưới ảnh hưởng của đại dịch.

Tại Việt Nam, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTBXH), có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong 3 năm tới.

Bộ LĐTBXH cho rằng, từ năm 2019, nhiều dự báo về việc chuyển đổi số sẽ tác động đến cơ cấu việc làm. Từ đó đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Chính phủ cũng phải có những quyết sách linh hoạt, kịp thời và số hóa hình thức quản lý.

Việt Nam là quốc gia có lực lượng lao động trong độ tuổi vàng. Năm 2020, lực lượng lao động là 54,8 triệu lao động trong đó tỉ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm 74,4%. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 lại là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam nhanh hơn.

Thích ứng với chuyển đổi số 

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho biết, bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 cũng mang lại những điểm tích cực như ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong sản xuất. Sau dịch COVID-19, nhiều công việc mới xuất hiện nhưng nhiều vị trí việc làm mất này. Sự xuất hiện và mất đi của nhiều vị trí việc làm buộc người lao động phải có sự nhìn nhận lại. Để thích ứng, những người lao động phải cập nhật, thực hiện đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ để thích ứng với sự đổi mới.

Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh trong những năm qua, ngành LĐTBXH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới.

Cũng theo Thứ trưởng, chuyển đổi kỹ thuật số đang định hình lại và chuyển đổi các kỹ năng và vai trò theo yêu cầu, trong đó làm nổi bật nhu cầu về nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động.

Bộ LĐTBXH đang thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm giai đoạn 2021-2021”. Đề án tập trung vào xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về lao động việc làm; hệ thống tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường lao động; kho dữ liệu cập nhật liên tục về thị trường lao động...

Trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội, thị trường lao động sẽ cần những giải pháp toàn diện, không chỉ nâng cao chất lượng tuyển dụng mà còn cần đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng, tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới, theo sự thay đổi của thị trường lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn