MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ủng hộ đề xuất được hoán đổi số năm đóng BHXH thừa để nghỉ hưu sớm

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 07/04/2024 21:05

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - ngoài những vấn đề được quan tâm là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu; chỉ được rút bảo hiểm xã hội một lần với mức 50% - thì đề xuất lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 30 - 35 năm được hoán đổi số năm dôi dư để nghỉ hưu sớm mà không bị trừ 2% tỉ lệ lương hưu cũng được nhiều lao động ủng hộ.

Hiện hành quy định lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, nữ đủ 30 năm; nghỉ sớm bị khấu trừ 2%. Nếu đóng thừa thời gian, lao động nhận một khoản trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm thừa.

Đề xuất hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để được nghỉ hưu sớm được nhiều công nhân, đặc biệt là lao động trẻ ủng hộ.

15 năm đi làm, từ vị trí công nhân lên tổ trưởng, chị Phạm Thu Trà (37 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cho biết công việc hiện tại tuy có áp lực nhưng không quá vất vả. Nếu cố gắng và kiên trì vẫn có thể làm được đến 55 tuổi.

Lúc đó, chị Trà đóng bảo hiểm xã hội tổng cộng 33 năm, hưởng đủ 75% lương hưu và thừa 3 năm đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, đến tuổi 55, nữ tổ trưởng cho biết sẽ xin nghỉ để giữ gìn sức khỏe chứ không muốn đi làm tiếp.

Chị Trà mong được hoán đổi số năm đóng thừa để nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Ảnh: Mạnh Cường.

“Cả cuộc đời cống hiến cho công ty, tôi muốn được nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 để giữ gìn sức khỏe và quây quần bên con cháu. Lúc đó dù công ty có yêu cầu làm tiếp, sức khỏe vẫn đáp ứng được tôi vẫn sẽ xin nghỉ” - chị Trà cho hay.

Chị Trà cho biết, chị muốn dùng 3 năm đóng dư bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu ở tuổi 57. Trong hai năm từ 55 tuổi đến 57 tuổi để có thu nhập đảm bảo cuộc sống, nữ tổ trưởng cũng đã lên kế hoạch trước.

“Lúc đó sẽ nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng để có tiền chi tiêu. Đồng thời tiết kiệm từ bây giờ và làm thêm một số việc phụ để gia tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống trong 2 năm trước khi nhận lương hưu” - chị Trà chia sẻ.

Theo nữ công nhân, việc hoán đổi số năm đóng bảo hiểm thừa thành điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là sự hoán đổi công bằng bù trừ cho nhau chứ không phải yêu cầu đòi quyền lợi từ một phía.

Chị Trà nêu thêm quan điểm, nếu không tạo điều kiện hoán đổi, người lao động có thể sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần để gửi tiết kiệm, lấy lãi chi tiêu từ khi ngoài 50 tuổi, coi như nghỉ hưu sớm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (24 tuổi, Nam Định) cho biết bản thân không học đại học nên đã đi làm công ty ngay từ khi 18 tuổi. Dù hiện tại còn khá trẻ nhưng cũng đã có 6 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Nữ công nhân tâm sự nếu sau này không có dự định làm riêng hoặc đổi nghề, chắc bản thân sẽ gắn bó với công việc hiện tại ít nhất đến năm 45 tuổi. Thậm chí nếu sức khỏe cho phép sẽ làm đến 50 tuổi mới nghỉ. Nếu 50 tuổi mới nghỉ việc, chị Ngọc Anh đã đóng bảo hiểm xã hội được 32 năm.

Sau 50 tuổi, nữ công nhân dự tính vẫn đi làm nhưng làm công việc tự do nhẹ nhàng. Dù thu nhập không cao bằng công nhân nhưng cũng không lo lắng. Bởi lúc đó chỉ cần đảm bảo ăn uống hàng ngày, các mục tiêu lớn khác đã hoàn thành xong hết lúc trẻ.

Về quy định mỗi năm đóng thừa chỉ được hưởng 0,5 lần bình quân lương đóng bảo hiểm xã hội, chị Ngọc Anh cho rằng quá thấp. Mức hưởng này chắc chắn sẽ không đủ sức níu kéo bản thân tiếp tục đóng bảo hiểm trên 30 năm.

“Nếu dùng các năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để giảm trừ tuổi nghỉ hưu sẽ thiết thực hơn. Vì khi đã làm được 30 năm, người lao động cũng đã tích lũy được số vốn nhất định. Lúc đó họ sẽ quan tâm đến sức khỏe và niềm vui tuổi già, mong được nghỉ hưu sớm hơn là hưởng thêm tiền hỗ trợ” - chị Ngọc Anh tâm sự.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10.2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5.2024 và có hiệu lực từ 1.7.2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn