MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động phấn khởi vui vẻ đón xuân nhờ được doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống, thu nhập. Ảnh: Phương Anh

Ước nguyện đầu năm của công nhân lao động trong Tết đoàn viên

PHƯƠNG ANH LDO | 10/02/2024 20:00

Sau một năm lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng, hàng nghìn lao động từ các thành phố trở về quê sum họp bên gia đình trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trong năm, mặc dù tình hình sản xuất còn khó khăn nhưng tất cả công nhân lao động đều được chăm lo, nên ai cũng vui vẻ đón Xuân.

Tết đoàn viên

Những ngày nghỉ Tết là thời gian lâu nhất chị Cao Tường Vy (ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) được ở cạnh gia đình để cùng lắng nghe, chia sẻ buồn vui trong công việc và cuộc sống.

Chị Vy cho biết, vợ chồng chị vốn là công nhân Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), công việc đòi hỏi phải đi sớm về muộn, nên không có nhiều thời gian bên cha mẹ, con cái. Những ngày lễ hay phép năm, mặc dù được nghỉ nhưng anh chị cũng tranh thủ đi làm để có thêm thu nhập. Do vậy, Tết mới thật sự là dịp đoàn viên với gia đình.

“Năm nay mặc dù tình hình sản xuất khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo đủ lương thưởng, quà tặng nhu yếu phẩm nên tôi rất vui mừng. Như vậy, tôi có thêm khoản thưởng để chi tiêu trong dịp Tết, có tiền để mừng tuổi cha mẹ, con cái” - chị Vy vui vẻ nói.

Anh Trần Hải Triệu - công nhân Công ty CP Thực phẩm Sao Ta - chia sẻ: Công nhân cả năm chỉ biết làm, ít nghĩ đến việc vui chơi. Chỉ có dịp Tết là được nghỉ ngơi nên tranh thủ bên gia đình, sắp xếp thời gian để thăm bà con hàng xóm rồi sau Tết lại vào công việc.

“Mặc dù tổng thu nhập cả năm giảm từ 5 - 10% so với năm rồi do tình hình sản xuất gặp khó, nhưng các chế độ lương thưởng, BHXH đều được công ty thực hiện tốt. Ngoài ra, đảm nhiệm vị trí tổ trưởng nên ngoài việc thưởng 1 tháng lương, tôi còn có thêm phụ cấp. Doanh nghiệp chăm lo tốt nên mình luôn gắn bó, mong công ty năm mới làm ăn phát triển thì đời sống mình cũng đi lên” - anh Triệu nói.

Còn anh Nguyễn Văn Tý - công nhân Công ty Sun Field Việt Nam tại KCN VSIP 1 (tỉnh Bình Dương) - cho hay, để tiết kiệm chi phí đi lại, ngày 29 Tết, anh lái xe môtô từ Bình Dương về quê nhà ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) ăn tết cùng với gia đình.

Anh Tý cho biết, năm nay, công ty cho nghỉ Tết được 11 ngày. Đây là thời gian quý giá để những công nhân làm việc xa nhà như anh về quê sum họp với gia đình.

“Công ty không bị ảnh hưởng nhiều, đơn hàng vẫn thường xuyên, tăng ca đều đặn. Cuối năm, công nhân lao động còn được thưởng Tết, nhận quà. Những lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng có sự hỗ trợ riêng nên ai cũng phấn khởi” - anh Tý nói.

Ước nguyện đầu năm mới

Sống và làm việc tại mảnh đất Bình Dương gần 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Thương (quê ở tỉnh Hậu Giang) đã xem đây như quê hương thứ 2. Vượt qua những khó khăn với đồng lương ít ỏi những ngày mới bước chân lên Bình Dương lập nghiệp, chị đã có chỗ đứng vững tại Công Ty TNHH Nitto Denko Việt Nam với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

"Trong bối cảnh ảnh hưởng tình hình thế giới, doanh nghiệp cũng có lúc gặp khó khăn. Vì vậy, mong năm 2024, doanh nghiệp có đơn hàng ổn định và người lao động sẽ tìm lại được niềm vui bên công việc" - chị Thương chia sẻ.

Tết là dịp công nhân lao động sum họp với gia đình. Ảnh: Phong Linh

Nhìn lại năm 2023 đầy biến động, chị Phạm Thị Ngọc - công nhân Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) - cho biết, trong năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn hàng, xuất khẩu gặp khó khăn, giảm giờ làm, dẫn đến thu nhập thấp nên đời sống của bản thân và gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Song chị và nhiều lao động khác vẫn chia sẻ khó khăn và gắn bó cùng doanh nghiệp.

“Tôi tin tưởng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất như trước đây để duy trì việc làm cho công nhân lao động. Ước mong lớn nhất trong năm mới là công việc ổn định hơn để có thu nhập lo cho gia đình” - chị Loan bộc bạch.

Còn chị Sơn Thị Kim Tiền - công nhân Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - cho hay, hiện nay, nhiều mặt hàng đều tăng, từ giá cả sinh hoạt, điện nước tăng, chi phí lương thực…, trong khi lương không tăng nên cuộc sống người lao động gặp khó khăn.

“Trong năm 2024, tôi mong muốn điều chỉnh lương tối thiểu vùng để có thêm thu nhập lo cho gia đình, con cái, để cuộc sống dễ thở hơn” - chị Tiền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn