MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang

Ưu tiên xây trường học tại khu công nghiệp

tường vân LDO | 28/10/2022 08:01
Công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp đều mong con cái có cơ hội được học tập tại các trường công lập. Điều này sẽ giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng về tài chính.

Có hộ khẩu mới được học trường công: Quy định cứng nhắc

Theo quy định hiện nay, con công nhân lao động ở ngoại tỉnh lên Hà Nội sinh sống được tham gia học tập từ bậc mầm non đến THCS tại hệ thống các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để học sinh THCS được thi vào hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn là học sinh (hoặc cha/mẹ học sinh) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Nhiều công nhân cho rằng quy định hiện hành đang gây khó khăn và thiệt thòi cho con em họ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho rằng, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.

“Với những học sinh ngoại tỉnh lên Hà Nội sinh sống, hết bậc THCS, các em có thể theo học tại trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể” - ông Tuấn thông tin.

Liên quan đến quy định hiện nay của Hà Nội về việc học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mới đủ điều kiện đăng ký thi tuyển vào hệ thống trường THPT công lập, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam - cho rằng, quy định này là cứng nhắc và không phù hợp với xu hướng hiện nay.

“Công nhân lao động đến sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp phải được coi như công dân Hà Nội, thành phố phải đảm bảo các chế độ chính sách giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Sắp tới, sổ hộ khẩu sẽ không còn ý nghĩa, vậy tại sao với người dân lao động lại áp dụng quy định về hộ khẩu làm căn cứ để con em học đăng ký dự thi lớp 10. Tôi nghĩ thành phố cần phải bỏ ngay quy định cứng nhắc này” - ông Lâm nêu quan điểm.

Khu công nghiệp phải có trường học

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, hiện nay, tại các khu công nghiệp, số lượng trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của con em công nhân. Trong khi đó, được đến trường học tập, hưởng chế độ giáo dục, y tế là quyền chính đáng của trẻ em.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ sự trăn trở khi hiện nay, các cơ sở giáo dục tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu của con cái người lao động. Việc tìm quỹ đất để xây dựng trường học tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp luôn là trở ngại lớn. Do đó, ông Lâm đề xuất, Hà Nội cần thí điểm xây dựng trường học ở các khu công nghiệp, có chính sách ưu tiên đối với con công nhân lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội sinh sống.

“Những khu công nghiệp, khu đô thị xây được thành lập, xây dựng muốn vận hành phải kèm theo điều kiện xây dựng trường học ở khu vực đó để đảm bảo học sinh từ mầm non đến THPT có chỗ học tập. Có như vậy mới bảo đảm an sinh xã hội, công nhân yên tâm lao động, sản xuất...” - ông Lâm kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn