MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu trọ của người lao động tại Bình Dương. Ảnh: Đ.T

Ủy quyền cho cấp huyện duyệt hồ sơ hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động

Đình Trọng LDO | 07/05/2022 10:30
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bên cạnh các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách chi hỗ trợ, nhiều địa phương triển khai chậm, trong khi người lao động mong ngóng sớm được thụ hưởng chính sách.

Ủy quyền cho cấp huyện

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương mới ban hành công văn thực hiện chính sách trên. Tuần tới, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức hội nghị để hướng dẫn các ngành liên quan và các địa phương thực hiện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về việc làm sao thực hiện nhanh khi người lao động đang mong chính sách này, ông Phạm Văn Tuyên cho biết, Sở đã tham mưu và UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn. Việc này sẽ giảm áp lực cho tuyến tỉnh và ở địa phương nào thì địa phương đó xử lý hồ sơ sẽ nhanh hơn.

Liên quan đến quyết định này, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời hạn ủy quyền đến ngày 31.8.2022. Việc ủy quyền thực hiện theo Khoản 6 điều 11 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Trường hợp các địa phương không phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho các đơn vị, doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương phải thực hiện đúng nội dung quyền hạn được giao. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và các nội dung phát sinh. Chịu trách nhiệm tính chính xác về đối tượng và định mức hỗ trợ. Quá trình thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng, không để trục lợi chính sách.

Ông Tuyên cho biết thêm, để đảm bảo đúng đối tượng và tránh trục lợi, khi thực hiện người lao động phải chịu trách nhiệm về việc kê khai. Bên cạnh đó, chủ nhà trọ cũng phải xác nhận, chủ doanh nghiệp phải lọc cho đúng danh sách và cơ quan bảo hiểm xã hội kiểm tra xác nhận quá trình tham gia. Cuối cùng là UBND cấp huyện sẽ thẩm định và ký quyết định. Ví dụ, có vấn đề nổi bật là người lao động ngoại tỉnh thì việc ở trọ là dễ hiểu, nhưng lao động trong tỉnh Bình Dương nếu ở trọ thì sẽ đặt dấu hỏi và cần xác minh tính chính xác ngay. Các dữ liệu cũng sẽ được kết nối để đối chiếu. Qua các bước thực hiện như vậy, có tính pháp lý ràng buộc của các cơ quan phải chịu trách nhiệm.

Người lao động mong sớm nhận hỗ trợ

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có đến 1,6 triệu lao động. Đáng chú ý số lượng lao động nhập cư chiếm đa số, có hàng trăm ngàn lao động còn phải đi ở trọ, thuê nhà. Từ khi nghe về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, người lao động gặp khó khăn Bình Dương mong ngóng từng ngày. Ở nhiều doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn đã thông tin đến chủ doanh nghiệp và người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn thông tin, dữ liệu chỉ chờ khi cơ quan chức năng hướng dẫn sẽ thực hiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ ngay cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Tâm - công nhân công ty may tại phường Tân Định thị xã Bến Cát cho biết, mỗi tháng chị có thu nhập 8-9 triệu đồng, chồng làm thợ cơ khí được 10 triệu đồng. Do phải nuôi 3 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. “Hai vợ chồng tôi có 3 con rồi, 2 đứa lớn đang học tiểu học, con nhỏ gửi nhà trẻ. Riêng tiền ăn học cho 3 cháu đã hết 10 triệu đồng/tháng nên gia đình phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải. Cả nhà thuê trọ tốn 3 triệu đồng mỗi tháng, nếu được nhà nước hỗ trợ thì đỡ lắm. Tôi mong các cơ quan sớm thực hiện...’’ - chị Tâm chia sẻ.

Anh Lê Minh Nhật (27 tuổi, quê Tiền Giang) cũng chia sẻ: “Trước đây vợ chồng tôi làm ở công ty gỗ tại Bến Cát nhưng đã nghỉ việc vì dịch. Sau lễ cả hai trở lại Bình Dương tìm việc làm. Hiện nay thu nhập chưa đều, cuộc sống khó khăn nên nếu được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng thì vợ chồng tôi đỡ đi tiền thuê trọ”…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn