MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.L

Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường: LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn cần đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên

Việt Lâm LDO | 17/11/2018 14:32

Sáng 17.11, tại tỉnh Lạng Sơn, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN do đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn. 

Tham gia buổi làm việc có các đồng chí Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Tạ Văn Đồng - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TLĐ; Vũ Anh Đức - Trưởng ban Tổ chức; Trần Văn Khải - Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế CĐ; Trịnh Thanh Hằng - Trưởng ban Nữ công; đại diện lãnh đạo ban Quan hệ LĐ; Ban tài chính.  

Về phía lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí Hoàng Văn Nghiệm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

28 đoàn viên được hỗ trợ về nhà ở

Thay mặt Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Lý Đức Thanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn báo cáo, tổng số đoàn viên CĐ 42.476/43.729 người (tỷ lệ thu hút đạt 97,13%), trong đó đoàn viên nữ 24.699/42.476 người (58,14%). Khu vực nhà nước 37.373 người (88%);  khu vực ngoài nhà nước 5.103 người (12%).

Chủ tịch Bùi Văn Cường (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao đổi với CBCĐ tỉnh. Ảnh: V.L

Từ đầu năm đến nay, các cấp CĐ trong tỉnh đã vận động đoàn viên, NLĐ tham gia ủng hộ các Quỹ xã hội nhân đạo từ thiện của tỉnh; ủng hộ Chương trình “Mái ấm CĐ” năm 2018 được 1.036.200.500 đồng; Ban Quản lý Quỹ LĐLĐ tỉnh đã xét hỗ trợ năm 2018 cho 28 CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (18 nhà xây mới, 10 nhà sửa chữa) với tổng số tiền là 690 triệu đồng...

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn Lý Đức Thanh báo cáo công tác CĐ tại buổi làm việc. Ảnh: V.L
Tại buổi làm việc, đồng chí Lý Đức Thanh cũng đã nêu một số hạn chế như tỷ lệ DN ngoài nhà nước (có tổ chức CĐ)  tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc còn thấp. Tình trạng các đơn vị nợ đọng BHXH vẫn xảy ra, gây khó khăn cho việc chi trả các quyền lợi về BHXH cho NLĐ; phong trào thi đua khu vực DN ngoài nhà nước không rõ nét.

Đặc biệt, việc chỉ đạo thu kinh phí CĐ các DN ngoài khu vực nhà nước gặp khó khăn, nhất là những DN chưa có tổ chức CĐ…

Chăm lo cho đoàn viên bằng hành động thiết thực

Đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN tặng LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn bức tranh quý về Bác Hồ. Ảnh: V.L

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN, trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn có thể vận động các DN, đơn vị có ít NLĐ (dưới 20 người) cùng nhau thành lập CĐCS ghép. 

Đồng chí Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: V.L

Đại diện Uỷ ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN, Ban Tài chính, Ban Nữ công, Ban Quản lý thiết chế CĐ… cũng đã hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đánh giá cao các hoạt động của LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn. Trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đề nghị các cấp CĐ tỉnh cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, NLĐ về các nhiệm vụ mà Đại hội XII CĐVN đề ra; xây dựng Đề án, Nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống.

Đồng chí Bùi Văn Cường dự báo, 2019 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XII CĐVN, kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức CĐVN; Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới… tổ chức và hoạt động của CĐ tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn quốc tế; quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp… đòi hỏi CĐ phải đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. 

Theo đó, CĐ cần tập trung các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ bằng các hoạt động cụ thể để thu hút NLĐ tham gia tổ chức CĐ. Trong đó, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn cần xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để CĐ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

“Bởi có nguồn lực tài chính thì mới tổ chức tốt được các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Để có nguồn tài chính, LĐLĐ tỉnh cần phải tổ chức, đôn đốc DN thực hiện việc nộp kinh phí CĐ theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao hoạt động của Cty cổ phần khách sạn CĐ, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp CĐ để đem lại nguồn thu hiệu quả.

Ngoài ra, các cấp CĐ tỉnh cần đem lại nhiều lợi ích cho đoàn viên thông qua các chương trình ưu đãi, phúc lợi đoàn viên, từng bước làm rõ tạo sự khác biệt về lợi ích đối với NLĐ là đoàn viên CĐ và NLĐ chưa phải là đoàn viên CĐ.

Các cấp CĐ tỉnh có thể liên hệ trực tiếp tới các DN kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của đoàn viên, để thương lượng, ký thoả thuận hợp tác, trong đó có nêu cụ thể: Tôi giới thiệu nhiều đoàn viên tới mua hàng - thì DN phải có ưu đãi, giảm giá. Đôi bên cùng có lợi. Khi đó, đoàn viên thấy CĐ đem lại lợi ích cho họ thì họ ngày càng gắn kết với tổ chức CĐ. Ngoài "tự lực", LĐLĐ tỉnh cần tranh thủ sự hỗ trợ của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc vận động DN cùng tham gia chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ”  - Chủ tịch Bùi Văn Cường gợi ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn