MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Gặp gỡ "công nhân" 16, 17 tuổi

NHÓM PV LDO | 30/08/2022 10:00

Chỉ cần bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đã chỉnh sửa năm sinh, công ty cho thuê lại lao động đã dễ dàng “vượt mặt” các doanh nghiệp đang “khát” lao động. Cũng vì thế, dù năm sinh thực tế của nhiều lao động là 2005, 2006, 2007 nhưng đều được “hô biến” thành sinh năm 2000 - đủ tuổi lao động - chỉ sau vài thao tác.

“Tao sinh năm 2005”

Những người lao động có nhu cầu tìm việc làm phải tập trung tại văn phòng của Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina để ký biên bản cam kết làm việc.

Bên cạnh đó, nhân viên công ty sẽ dặn dò kỹ năng trả lời phỏng vấn. Còn lại những lao động dưới 18 tuổi sẽ nhận được bản photo căn cước công dân đã chỉnh sửa năm sinh, đủ tuổi lao động.

Dia (áo đen) đang cùng ký vào bản cam kết với Công ty Thịnh Phát. Ảnh: Nhóm PV

Đúng 10h, đích thân Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina Nguyễn Đình Huy chở 5 nữ lao động quê ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… đến Công ty TNHH Ecotek thuộc Khu công nghiệp Khai Sơn (Thuận Thành, Bắc Ninh) để phỏng vấn.

Vị giám đốc này động viên chúng tôi rằng không có gì đáng lo, phỏng vấn rất đơn giản, sẽ dễ dàng được nhận vào làm việc.

Đích thân Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina đưa lao động nữ sang doanh nghiệp sản xuất chờ phỏng vấn. Ảnh: Nhóm PV

Di chuyển khoảng 3km đến doanh nghiệp, Giám đốc công ty môi giới gọi điện cho một nhân viên trong nhà máy ra đón. Xuống xe, chúng tôi bỡ ngỡ trước “rừng" công nhân thời vụ xếp hàng ở cổng nhà máy.

Công nhân thời vụ xếp hàng cổng nhà máy. 

Không chỉ có Công ty Thịnh Phát mà còn có nhiều công ty môi giới khác cũng dẫn lao động qua phỏng vấn.  

Cổng Công Ty TNHH Ecotek - nơi công nhân thời vụ được Công ty Thịnh Phát đưa đến phỏng vấn và sẽ làm việc. 

Trong nhóm lao động đang xếp hàng chờ phỏng vấn, nhiều người từ các tỉnh vùng cao xuống Bắc Ninh làm việc. Một vài lao động mới chỉ 16, 17 tuổi, mang khuôn mặt dạn dĩ, chất giọng lơ lớ đang trao đổi về tiền lương của công nhân thời vụ khi làm việc ở đây.

Tôi bắt chuyện với Dia (ở Điện Biên) - người cũng có mặt tại văn phòng của công ty buổi sáng. Dia cho biết đã từng làm công nhân ở nhiều nơi, nay muốn tìm việc làm ở Bắc Ninh.

Vì đã được dặn dò kỹ lưỡng là phải nói sinh năm 2000, gặng hỏi mãi Dia mới thú nhận: “Tao sinh năm 2005, nhưng phải nói là 2000 mới được nhận”.

Lao động dưới 18 tuổi làm việc 12 giờ mỗi ngày

Khi làm việc, chúng tôi chỉ kí duy nhất bản cam kết làm việc với Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina và nộp lại bản photo chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân cho nhà máy. Công ty môi giới giữ lại tất cả chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân gốc của lao động trong vòng 15 ngày.

Đặc biệt, trong bản cam kết này có nêu: “Người lao động làm việc dưới 10 ngày công trong tháng mà thôi việc sẽ không được thanh toán lương. Cam kết làm việc từ 90 ngày trở lên. Nếu không làm đủ thời gian cam kết sẽ chịu mức phạt 2.000.000 đồng”.

Những điều khoản “kỳ lạ” từ Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina.

Băn khoăn trước những điều khoản trên, một vài lao động khác cùng đi phỏng vấn với tôi trấn an: “Nếu không làm được việc, xin nghỉ thì sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Tuy nhiên ban đầu công ty sẽ cho thử việc”.

Theo những lao động này, vì tìm việc làm qua công ty môi giới nên mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất một khoản cho đơn vị này. So với lao động chính thức, lao động thời vụ thiệt thòi vô cùng. Dù có thể làm cùng công việc, thời gian như nhau, nhưng lao động thời vụ chỉ được nhận lương theo giờ, không có các chế độ như bảo hiểm xã hội... 

Sau khi nghe phổ biến về thời gian làm việc, giờ tăng ca, một lần nữa, nhân viên tuyển dụng của nhà máy nhắc lại với chúng tôi: “Không được nghỉ việc nếu chưa làm đủ 3 tháng. Ai xác định làm dưới 3 tháng thì có thể đi về luôn. Nếu nghỉ việc không báo trước, công ty sẽ phạt công nhân 2 triệu đồng”.

Công việc của chúng tôi là thực hiện kiểm tra ngoại khoan linh kiện nhựa. Chúng tôi phải làm việc theo kíp, kíp 1 bắt đầu từ 8h sáng đến 20h, kíp 2 bắt đầu từ 20h tối đến 8h sáng hôm sau. Mọi người sẽ có 30 phút ăn và nghỉ trưa và 15 phút ăn giãn kíp buổi chiều. 

Lao động chờ phỏng vấn.

Qua vài câu phỏng vấn “lấy lệ”, chúng tôi đều được nhận làm việc tại công ty bắt đầu từ hôm sau. Sau một hồi làm quen, Nga - một nữ công nhân, chia sẻ bắt đầu nghỉ học, đi làm công nhân từ khi 15 tuổi. Mẹ của Nga cũng làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp này. Sáng sớm mỗi ngày, hai mẹ con chở nhau đi làm.

Trong phòng phỏng vấn của Công ty TNHH Ecotek thuộc Khu công nghiệp Khai Sơn (Thuận Thành, Bắc Ninh).

“Trước đây, lương của em khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, làm hơn 20.000 đồng/giờ, em làm 8 giờ/ngày nhưng tăng ca đến 12 giờ/ngày. Tháng nào tăng ca nhiều sẽ mệt. Làm thế đau hết cả tay, soi kính mòn con mắt ra mới thấy các lỗi xước, vân tay…" - Nga than thở. 

Nữ lao động này đã đi làm công nhân khi em chỉ vừa mới 15 tuổi.

Khi hỏi lý do tại sao lại đi làm sớm như vậy, Nga thú nhận không phải không thích học mà gia đình hoàn cảnh khó khăn. Bấy giờ dịch COVID-19 “tung hoành", mẹ Nga có bầu.

“Em không muốn mẹ em bầu mà phải đi làm. Mấy lần em thấy mẹ em có thai đi làm bị sảy thai rồi... Bây giờ bố em trông các em, còn em với mẹ em phải đi làm” - Nga ngậm ngùi.

Những khuôn mặt non choẹt khiến trưởng ca trong công ty không khỏi nghi ngờ về độ tuổi thật của các em. Hùng (ở giữa) thú nhận với PV rằng em mới chỉ sinh năm 2006.

Sau khi phỏng vấn xong, chúng tôi được chia ca về xưởng sản xuất. Người trưởng ca tên Đáng tỏ ra nghi ngờ trước những khuôn mặt non choẹt chờ đợi được gọi tên phỏng vấn. Các công nhân lần lượt được trưởng ca Đáng hỏi tên và độ tuổi lao động, kinh nghiệm làm việc. 

Một nam công nhân tên Hùng (sinh năm 2006) được gọi tên. Sau khi được hỏi tuổi, Hùng nói: "Em sinh năm 2000" và cười tủm tỉm. Hùng thì thầm riêng với chúng tôi, hiện em vẫn đang là học sinh THPT. Em cùng một người bạn bằng tuổi chỉ đi làm vài tháng trong thời gian được nghỉ hè để đỡ đần cho gia đình.

Lao động được chia về các phân xưởng.

Phân xưởng rộng chừng 2.000m2, được chia thành từng khu sản xuất. Chúng tôi lần lượt lấy vân tay để chấm công làm việc.

Thế nhưng, điều không thể ngờ tới là tôi và những nữ công nhân bị cận thị, loạn thị khác đã phải nghỉ việc ngay lập tức. “Mắt bình thường làm còn chẳng hơn ai nữa là cận thị. Em không nhận đâu” - vị tổ trưởng nói với trưởng ca Đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn