MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: "Phù phép" lao động dưới 18 tuổi

NHÓM PV LDO | 30/08/2022 06:08

Hệ thống công ty môi giới đều vận hành tương tự nhau khi sở hữu “dàn” nhân viên đăng bài, tìm kiếm lao động. Chỉ cần tuyển dụng đủ lao động theo chỉ tiêu, những nhân viên này nghiễm nhiên sẽ được trả thêm tiền mỗi tháng. 

Để đạt được lợi nhuận, họ “phù phép” những lao động dưới 18 tuổi để đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp điện tử trong Khu công nghiệp Khai Sơn (Bắc Ninh).

Tiền công tăng theo số hợp đồng ký với lao động

Trong vai người có nhu cầu làm nhân viên "săn" lao động, chúng tôi xin làm việc tại Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina. Đang cần người “săn” lao động, chỉ qua một vòng phỏng vấn sơ sài, chúng tôi đã trúng tuyển và có thể nhận vào làm ngay hôm sau.

Quản lý của Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina đào tạo nhân viên. Ảnh: Nhóm PV

Chị T.H – quản lý của Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina - giới thiệu về chế độ, tiền lương khi làm việc tại công ty. Công việc rất đơn giản, chỉ cần nhân viên có sự kiên trì, bền bỉ, tư vấn khéo léo để mời gọi được lao động ký hợp đồng thì sẽ có lợi nhuận.

Mỗi tháng, công ty trợ cấp 1,5 triệu đồng lương “cứng” cho mỗi nhân viên. Số tiền được hưởng thêm phụ thuộc vào việc có ký được hợp đồng với người lao động hay không. Chỉ tiêu mà công ty đưa ra cho mỗi nhân viên phải tuyển được 15 người/tháng.

 Đại diện Công ty Thịnh Phát giới thiệu về số tiền lương nhận được nếu tuyển dụng được thêm lao động. Ảnh: Nhóm PV

Nếu ký hợp đồng được với người thứ 16 người trở đi sẽ tự động được cộng thêm 450 nghìn đồng. Bên cạnh đó, nhân viên sẽ được hưởng thêm tiền trách nhiệm. Ví dụ một xưởng có 60 người, thì sẽ được hưởng 1,2 nghìn đồng/ngày/người và thêm 500 nghìn đồng tiền trách nhiệm.

“Nếu tuyển đạt 25 lao động sẽ thưởng 3 triệu đồng, đạt 50 lao động sẽ thưởng 5 triệu, đạt 70 lao động sẽ thưởng 8 triệu. Việc tuyển dụng vượt theo yêu cầu dành cho các bạn thật sự chăm chỉ, xuất sắc” – chị T.H giới thiệu.

Vì vậy, thu nhập của một nhân viên tuyển dụng lao động nếu chăm chỉ làm việc có thể trên 10-15 triệu đồng/tháng. Với những trường hợp không đạt chỉ tiêu, chị T.H cho hay, nếu 1 tháng nhân viên chỉ tuyển được từ 1-4 người thì sẽ tính 250 nghìn đồng/người; Tuyển dụng được từ 5-9 người sẽ tính 300 nghìn đồng/người, tuyển được từ 10-14 sẽ tính 350 nghìn đồng/người.

Chị này không quên nhắc nhở, nhân viên phải thường xuyên đăng tin tuyển dụng lao động trên các hội nhóm mạng xã hội facebook. Bên cạnh đó, cần tư vấn khéo để người lao động quyết định đi làm. Người lao động làm lâu, nhân viên vẫn được hưởng lợi nhuận từ những người lao động này.

Muốn nhận được những khoản tiền trên buộc nhân viên phải đảm bảo được người lao động đi làm từ 10 ngày trở lên. Bên cạnh đó, lao động phải ký hợp đồng từ 1 tháng mới tính vào chỉ tiêu, doanh số. Nếu người lao động ký hợp đồng 3 tháng mà chưa làm đủ thời gian này đã nghỉ sẽ bị phạt theo quy định.

Thông thường, đầu năm và cuối năm là thời điểm tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhộn nhịp nhất. Song, Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina sẽ ký hợp đồng tuyển dụng với các doanh nghiệp sản xuất cung ứng lao động thời vụ, còn lao động chính thức rất hạn chế.

Nhân viên Công ty Thịnh Phát đang tính toán tiền lương, trả trực tiếp cho công nhân. Ảnh: Nhóm PV

“Vì vậy, mình tư vấn cho lao động muốn làm việc thời vụ hơn là chính thức. Bởi chính thức chỉ được tính thêm 100 nghìn đồng/người, ngoài ra mình không được hưởng thêm gì vì họ kí trực tiếp với doanh nghiệp. Còn lại doanh nghiệp sẽ trả phí cho công ty mình. Quy định tiền lương nói trên dựa vào phí doanh nghiệp trả cho công ty” – chị T.H nhấn mạnh.

“Hô biến” những lao động dưới 18 tuổi

Trước khi bắt tay vào làm chính thức, chúng tôi được chị T.H tỉ mỉ hướng dẫn cách thu hút người lao động. Không chỉ tham gia, đăng bài vào các hội nhóm, nội dung đăng tải hấp dẫn thì họ mới vào tìm kiếm việc làm. 

Khi chúng tôi hỏi về yêu cầu đối với công nhân, chị T.H nhanh nhảu nói: “Khi người lao động hỏi thì mình cung cấp mức lương cụ thể. Hiện tại, các doanh nghiệp tuyển nam nữ, thiếu tuổi cũng được, tầm 40 tuổi đổ lại. Việc thiếu tuổi lao động có thể sửa cho nên có những người dưới 18, sinh năm 2006 đã đi làm được”.

Để chạy đủ “định mức” tuyển dụng lao động, những công ty cho thuê lại lao động bất chấp, có cách để qua mặt doanh nghiệp với những trường hợp lao động thiếu tuổi.

Trong sổ ghi chép lao động đăng ký đi làm tại công ty từ tháng 6, chúng tôi phát hiện nhan nhản những lao động dưới 18, thậm chí là 15, 16 tuổi đến tìm kiếm việc làm.

Người lao động H.T.T.H (SN 2006, ở Bảo Yên, Lào Cai), N.T.P (SN 2007, ở Bảo Yên, Lào Cai), L.T.N (SN 2006 ở Bắc Hà, Lào Cai)… là những lao động thiếu tuổi đã đăng ký tìm kiếm việc làm qua công ty “môi giới" này.

Rất nhiều lao động thiếu tuổi đăng kí tìm việc qua công ty môi giới. Ảnh: Nhóm PV

Không phải bây giờ, mà từ rất lâu, những công ty cho thuê lại lao động ngang nhiên tuyển và hợp thức hoá lao động dưới 18 tuổi vào làm việc cho nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Khai Sơn.

Việc tuyển lao động thời vụ của các doanh nghiệp sản xuất rất đơn giản, chỉ cần bản photo chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, cho nên công ty môi giới dễ dàng “qua mặt”.

Chỉ cần vài thao tác chỉnh sửa bằng photoshop, những lao động thiếu tuổi đã trở thành người trên 18 tuổi. Và cứ như vậy, người lao động cầm bản photo đến nộp cho doanh nghiệp và qua được vòng phỏng vấn sẽ vào làm trực tiếp.

Vào những ngày đầu tháng 8, hơn chục người lao động trẻ tuổi, có những người mặt còn non nớt ở các địa phương đến Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh Phát Vina xin làm công nhân thời vụ của Công ty TNHH Ecotek – chuyên sản xuất linh kiện nhựa.

T - nhân viên công ty môi giới chỉnh sửa bằng photoshop căn cước công dân của một lao động dưới 18 tuổi ở Điện Biên. Sau khi biến tấu từ sinh năm 2005 thành năm 2000, T đưa cho lao động này bản photo căn cước công nhân mới và yêu cầu học thuộc năm sinh.

 Trên tay lao động sinh năm 2005 này đang cầm bản photo Căn cước công dân đã được chỉnh sửa. Ảnh: Nhóm PV

Trước giờ đến doanh nghiệp phỏng vấn, chị T dặn đi dặn lại lao động: “Hai đứa học thuộc đi nhé, nhớ nhé, không phải 2005 nữa nhé. Gọi bằng chị nhé” để qua mặt được nhà tuyển dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn