MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non ở các khu công nghiệp đang phải làm việc trong môi trường áp lực từ nhiều phía. Ảnh: Kiều Hạnh

Vẫn chờ để được hưởng quyền lợi từ Nghị định 105

Anh Nhàn - Nam Dương LDO | 10/11/2020 14:57
Nghị định 105/2020/NĐ-CP (Nghị định 105) ra đời là bước đột phá trong chính sách phát triển giáo dục mầm non và chăm lo đời sống công nhân. Đến thời điểm này, nghị định tuy đã có hiệu lực nhưng phần lớn giáo viên mầm non, người lao động, các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn TPHCM vẫn còn chờ để được hưởng quyền lợi từ nghị định này.

Sẽ đảm bảo đúng trình tự, đúng đối tượng

Từ ngày 1.11.2020, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non sẽ chính thức thức có hiệu lực. Điều 8 của Nghị định 105 nêu rõ, từ ngày 1.11, trẻ em là con công nhân (CN), người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định, được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng tiền ăn trưa, tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Điều kiện để được hỗ trợ bao gồm: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non; có HĐLĐ với người đại diện trường; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con CN tại KCN.

Cũng theo nghị định nêu trên, giáo viên mầm non làm việc theo chế độ HĐLĐ trong định mức giáo viên được phê duyệt ở các trường mầm non công lập sẽ được hưởng chế độ như viên chức (hạng IV) đến hết năm 2021.

Ngoài ra, các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có KCN nếu có tối thiểu 30% trẻ là con CN, NLĐ làm việc tại đó cũng được hỗ trợ mức tối thiểu 20 triệu đồng để mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phục vụ trực tiếp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Chị N.TL.H, công tác tại một trường mầm non thuộc quận Bình Tân (TPHCM), chia sẻ, chị rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non của Nghị định 105. Chị H quê ở miền Trung, sau tốt nghiệp, chị lên TPHCM dạy học ở một trường mầm non được 3 năm nay. Học sinh của chị H đa phần là con CN và NLĐ.

“Tôi nhận được lương 6 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí chứ không dư ra 1 khoản tiết kiệm hằng tháng. Nếu chẳng may mất việc hoặc có biến cố thì khó xoay xở. Nếu chỉ có khoản lương này, tôi khó có thể trụ với nghề, mặc dù rất yêu trẻ con và thấy mình phù hợp với công việc này. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhanh chóng nhận được hỗ trợ để có thể chuyên tâm với công việc” - chị H tâm sự.

Trao đổi với Lao Động, bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM - nhìn nhận, những chính sách của Nghị định 105 hỗ trợ rất lớn việc phát triển giáo dục mầm non và chăm lo đời sống CN, NLĐ. Phòng Giáo dục Mầm non đang phối hợp với các phòng chuyên môn ở Sở GDĐT để có văn bản trình UBND TPHCM nhằm từng bước thực hiện nghị định 105, đảm bảo đúng trình tự, đúng đối tượng.

Vẫn chờ triển khai

Bà Tạ Thị Thanh An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Thái Quang (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 500 học sinh mầm non là con CN của Công ty TeaKwang Vina - nhận xét: “Quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP là một chính sách rất tốt để khuyến khích, phát triển giáo dục mầm non. Chính sách này sẽ thúc đẩy phát triển các cơ cở giáo dục mầm non tư thục, ngoài công lập, qua đó sẽ làm giảm đáng kể áp lực đối với các trường công lập”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thấy địa phương triển khai thực hiện theo nghị định này.

Tương tự, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở gần Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) đề nghị không nêu tên cũng cho biết, dù có nghe nói về chính sách hỗ trợ của Chính phủ với việc phát triển giáo dục mầm non, nhưng cũng chưa thấy địa phương triển khai. Theo tìm hiểu thì được biết, các Sở GDĐT đang chờ thông tư hướng dẫn Nghị định 105 nên chưa triển khai trong thực tế dù giáo viên, nhà trường đều trông đợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn