MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở phù hợp với thu nhập của họ. Ảnh: Hải Nguyễn

Vấn đề nhà ở, bảo hiểm xã hội được người lao động quan tâm nhiều

Nhóm phóng viên LDO | 28/07/2023 14:04

Chiều 28.7, tại Hội trường Diên Hồng, Toà nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn” (Diễn đàn). Trước khi diễn ra Diễn đàn, phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi nhanh với các đại biểu là đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn trực tiếp tham gia Diễn đàn.

Cần tăng mức hỗ trợ đào tạo cho người lao động

Đoàn viên Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La cho biết, qua báo chí, tôi được biết hiện nay, nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư Quỹ lớn, trong khi đó, chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các nội dung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động còn hạn chế.

Theo chị Thêm, nếu được phát biểu ý kiến thì chị sẽ đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn

Đại diện cho lực lượng lao động trẻ TP Hải Phòng, chị Phạm Thị Ngọc Ninh – nhân viên Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cảm thấy vinh dự, háo hức được tham gia Diễn đàn. Với chị Ninh, diễn đàn là cầu nối quan trọng, đưa ý kiến của người lao động đến gần hơn với Quốc hội, từ đó Quốc hội sẽ có thêm nhiều chính sách thiết thực, giúp cải thiện đời sống, việc làm, thu nhập, đáp ứng mong mỏi của đoàn viên, người lao động.

Tâm tư trước thềm Diễn đàn, chị Ninh cho biết, vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên cả nước cũng như địa bàn TP Hải Phòng ít, nhiều gặp khó khăn trong việc vực dậy sản xuất sau dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp gặp khó khăn, đời sống, việc làm của công nhân, lao động cũng bị ảnh hưởng.

“Mặc dù Công ty tôi thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, không bị ảnh hưởng nhiều như các doanh nghiệp khối sản xuất, tuy nhiên, về lâu dài, nếu tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động, những doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu sẽ gặp phải không ít khó khăn. Bởi vậy, thông qua diễn đàn này, tôi mong muốn nhà nước sẽ sớm có những chính sách phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay” – chị Ninh cho biết.

Công nhân vẫn phải sử dụng điện với giá cao

Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung, đang làm việc ở bộ phận QA (đảm bảo chất lượng) của Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng là người lao động duy nhất ở Đà Nẵng được lựa chọn để ra Hà Nội tham gia Diễn đàn.

Theo chị Dung, điều mà người lao động như chị muốn được phản ánh tại cuộc giao lưu lần này là vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nợ BHXH, cũng là một trong những vấn đề nóng nhất thời gian qua. "Người lao động chúng tôi hy vọng rằng tới đây, Quốc hội sẽ có những quyết sách để tháo gỡ, giải quyết vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH cũng như các chính sách liên quan đến thụ hưởng BHXH", chị Dung cho biết.

Vấn đề nữa mà chị Dung và người lao động Đà Nẵng quan tâm là chính sách về nhà ở xã hội cho công nhân lao động.
"Nhiều năm trở lại đây, năm nào các doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng có thông báo, yêu cầu công nhân lao động đăng ký mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà người lao đồng đăng ký rất nhiều, nhưng thực tế thì gần như chưa có ai được mua", chị Dung nói.

Vấn đề nữa mà người lao động Đà Nẵng muốn được nói, muốn được Chủ tịch Quốc hội lắng nghe là giá tiền điện ở các khu trong công nhân tại Đà Nẵng hiện vẫn rất cao (trung bình từ 3.000 - 3.500 đồng/số điện); giá thuê nhà trọ cũng không hề rẻ. Trong khi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hậu dịch bệnh nên việc làm, thu nhập của người lao động ở Đà Nẵng ngày càng ít, càng thấp, trong khi giá cả từ điện, nước, tiền thuê nhà cho đến ăn uống thường ngày đều tăng đến chóng mặt. Chị Dung cho rằng, thời điểm này, người lao động sẽ giảm bớt khó khăn và áp lực rất nhiều nếu được quan tâm giảm giá về tiền điện hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng.

Cần điều chỉnh các chế độ chính sách cho nhân viên y tế

Là người trực tiếp được tham dự Diễn đàn, Bác sĩ Nguyễn Văn Trung - đoàn viên Công đoàn Bệnh viện Nhi Thanh Hóa kỳ vọng, thông qua diễn đàn này, Quốc hội sẽ nắm bắt sát hơn những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên chức lao động.

“Đặc biệt tôi muốn bày tỏ những ý kiến, kiến nghị trong lĩnh vực y tế, khi nhiều cán bộ trong ngành đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi dịch COVID-19 tạm lắng. Cụ thể có nhiều vấn đề về chế độ của đoàn viên là các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em… đang còn vướng mắc” - Bác sĩ Trung chia sẻ.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, thông qua diễn đàn, mong muốn Quốc hội, các lãnh đạo trung ương nắm bắt được tâm tư, vướng mắc thực tế ở địa phương. Từ đó có những điều chỉnh các chế độ chính sách sát hơn, tốt hơn cho người lao động, giúp họ yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn