MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gói vay ưu đãi 20 nghìn tỉ đồng là cứu cánh cho người lao động Đà Nẵng trong giai đoạn này. Ảnh: H.V.M

Vận động người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Tường Minh LDO | 11/11/2022 07:30
Tình trạng người lao động ở các lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ, giày da... bị thiếu và mất việc làm đã lan đến TP.Đà Nẵng với hơn 4.000 lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Và hiện tổ chức Công đoàn chưa có giải pháp nào khác ngoài việc vận động người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

20 doanh nghiệp thiếu đơn hàng và nguyên liệu

Chị Trần Thị Lệ là người lao động của một công ty dệt may có vốn đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng. Hôm 9.11, chị cùng với 120 lao động khác của doanh nghiệp đã buộc phải “nghỉ việc thỏa thuận” do doanh nghiệp hết đơn hàng trong những tháng cuối năm và bất lực trong việc tìm đơn hàng mới. “Tin như sét đánh ngang tai, nhất là trong thời điểm cuối năm nhạy cảm và hiện tôi đang còn hai con nhỏ, chồng thì cũng công việc phập phù. Giai đoạn này khó càng khó bởi gần như các doanh nghiệp may khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều không tuyển thêm lao động. Tết này gia đình tôi không biết sẽ ăn Tết kiểu gì với tình trạng bỗng dưng thất nghiệp như thế này”, chị Lệ than thở.  

Thống kê của Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến ngày 10.11 cho biết: Hiện có hơn 4.000 lao động của 20 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp Đà Nẵng bị giảm giờ làm, giảm lương, mất việc. 20 doanh nghiệp này phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, chế biến thủy sản, sản xuất gỗ. Nguyên nhân do doanh nghiệp hết và ít đơn hàng và nguyên liệu trong dịp cuối năm.

Trong số 20 đơn vị này, doanh nghiệp có nhiều người lao động bị giảm giờ làm, giảm lương, mất việc... nhất là 1.800 lao động. Bắt đầu từ tháng 11.2022, người lao động của doanh nghiệp này bị giảm 1h làm viêc/1 ngày so với các tháng đầu năm (6h/tuần). Từ tháng 12.2022 sẽ giảm hơn so với tháng 11 và dự kiến nghỉ thêm ngày thứ 7 cũng như giảm sâu hơn vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán tới đây. Cá biệt có doanh nghiệp, nhiều công nhân chủ động nghỉ việc do doanh nghiệp không thể sắp xếp tăng ca do ít đơn hàng.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết, trong cuộc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và hai đơn vị tài chính là HD SAISON và FE CREDIT để triển khai gói vay ưu đãi 20 nghìn tỉ đồng cho công nhân lao động tại thành phố Đà Nẵng: Hiện có hơn 500 nghìn người lao động ở trong các lĩnh vực may, chế biến giày da bị thiếu việc làm và gần 2.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Vận động người lao động chia sẻ khó khăn

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN thì giai đoạn này, đặc biệt là dịp cận Tết, áp lực về tài chính đối với người lao động, đặc biệt là hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động là vô cùng lớn. Nên việc triển khai ký kết gói vay ưu đãi 20 nghìn tỉ đồng giữa Tổng LĐLĐVN với hai đơn vị tài chính là HD SAISON và FE CREDIT cho công nhân lao động tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung là cấp thiết, kịp thời và có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa việc người lao động tìm đến với “tín dụng đen” như trong thời gian qua.

Tuy vậy, dù hai đơn vị tài chính là HD SAISON và FE CREDIT đã cam kết triển khai nhanh, đơn giản tối đa thủ tục, nhưng việc người lao động tiếp cận được với gói vay này không phải là chuyện một sớm một chiều. Và trong bối cảnh hiện nay, tổ chức Công đoàn, theo như thừa nhận của ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu CNC&CKCN Đà Nẵng: “Công đoàn chưa có giải pháp khả thi nào khác ngoài việc vận động đoàn viên, người lao động của mình cùng chia sẻ khó khăn trước mắt với doanh nghiệp”.

Ở thành phố Đà Nẵng, ngoài danh sách 20 đơn vị buộc phải giảm giờ làm và chấm dứt hợp đồng với người lao động, cũng còn rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng đơn hàng và nguyên liệu trong dịp cuối năm. Tuy nhiên họ lại đang chia sẻ khó khăn cùng người lao động bằng cách không tuyển thêm lao động và đang cố gắng gồng gánh để có được việc làm cho số còn lại, đơn cử như Công ty CP Dệt may 29/3. “Dù rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách xoay xở để có đủ việc làm cho người lao động. Không những thế, Hội đồng quản trị công ty đã quyết định cho công nhân nghỉ Tết năm nay 12 ngày cũng như thưởng Tết bình quân là 9 triệu đồng mỗi lao động” ông Trần Xuân Hòe, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 cho biết. “Tôi hay nói với anh em là những lúc kinh doanh thuận lợi thì mình được ăn miếng thịt thơm, còn những lúc khó khăn như thế này, dù có còn mỗi miếng xương chúng ta cũng phải cố gắng mà gặm để giữ được việc làm cho người lao động”, ông Huỳn Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 ví von.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn