MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của Công đoàn Hà Nội đã trao hỗ trợ cho hàng ngàn lượt CNLĐ khó khăn. Ảnh: Ngọc Ánh

Vận dụng tối đa chính sách để hỗ trợ người lao động và chia sẻ với doanh nghiệp

Linh Nguyên LDO | 01/09/2021 09:00
Không chỉ trong đợt dịch thứ 4, mà từ trước đó, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, Tổng LĐLĐVN đã có nhiều chính sách thiết thực chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) và cho cả doanh nghiệp. Những chính sách này được các cấp Công đoàn (CĐ) triển khai kịp thời, giúp được đoàn viên, NLĐ vượt qua thời điểm khó khăn nhất từ trước tới nay.

Cuộc sống của NLĐ được đặt lên trên

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Chính phủ với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào ngày 27.8 vừa qua, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đã báo cáo về kết quả chăm lo đoàn viên, NLĐ thời gian vừa qua.

Có thể thấy ngay từ đợt dịch đầu tiên, Tổng LĐLĐVN đã có những chính sách chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Những chính sách này vừa hỗ trợ, vừa góp phần rất lớn trong động viên cho đoàn viên, NLĐ, nhất là đoàn viên, NLĐ trong vùng dịch. Từ đợt dịch thứ nhất tới đợt dịch thứ ba, Tổng LĐLĐVN đã  ban hành các chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn với mức 500.000 đồng/người; dịp Tết Nguyên đán vừa qua hỗ trợ mức 1.000.000 đồng/người, mức đặc biệt khó khăn hỗ trợ 2.000.000 đồng/người.

Trong đợt dịch thứ tư (từ 27.4.2021), Tổng LĐLĐVN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Trong đó F0 được hỗ trợ 3.000.000 đồng, F1 hỗ trợ 1.500.000 đồng; F2 và các CNLĐ trong khu vực bị cách ly phong toả là 500.000 đồng/người và những người không may bị tử vong được hỗ trợ 5.000.000 đồng/trường hợp…

Mới đây nhất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã ra Quyết định về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Đối tượng hưởng là đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí CĐ tại các nơi nói trên, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người, hỗ trợ 1 lần.

Cách thức triển khai là CĐCS báo cáo số lượng đoàn viên, NLĐ được doanh nghiệp huy động để thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở để CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định cấp kinh phí. Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí CĐ nhưng chưa có tổ chức CĐ thì CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để chi hỗ trợ.

Trước đó, Tổng LĐLĐVN cũng hỗ trợ cho lực lượng y bác sĩ, kể các y bác sĩ được tăng cường; các bệnh viện Trung ương, lực lượng vũ trang, tuyến đầu chống dịch là 1 triệu đồng/người. 

Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Theo đánh giá, việc Tổng LĐLĐVN có những chính sách chăm lo cho đoàn viên,  NLĐ như hỗ trợ bữa ăn NLĐ tham gia “3 tại chỗ” chính là một trong những hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Hàng vạn cán bộ CĐ đang ngày đêm lăn lộn, không quản ngại khó khăn, xông vào tâm dịch, vận chuyển hàng triệu phần quà, các nhu yếu phẩm đến tận tay NLĐ. Các hoạt động này một lần nữa cho thấy các chính sách, hoạt động của CĐ không chỉ trực tiếp chăm sóc cho NLĐ mà còn là sự đồng hành, chia sẻ, gánh vác khó khăn cùng doanh nghiệp. 

Thời gian qua CĐ đã rất chủ động đồng hành cùng doang nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, các cấp CĐ đã tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện nghiêm thông điệp 5K, quy định theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời vận động CNLĐ tránh hoang mang, lo sợ quá mức khi có ca F0 tại doanh nghiệp; vận động CNLĐ ngoại tỉnh ở lại làm việc tại doanh nghiệp, ngoài giờ làm việc hạn chế ra khỏi nhà, không tập trung đông người; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức công tác phòng, chống dịch, phân luồng các ca tiếp xúc gần F0, F1 tại doanh nghiệp; tham gia phân luồng lao động để xét nghiệm tầm soát bệnh tại doanh nghiệp và việc tiêm vaccine cho CNLĐ. CĐ cũng kiến nghị với Chính phủ cho doanh nghiệp hạch toán chi phí phòng chống dịch vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp...

Tổng LĐLĐVN cũng đã chủ động phối hợp với Bộ LĐTBXH, Phòng VCCI ban hành Hướng dẫn tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh để hỗ trợ vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt “3 tại chỗ”…

Đồng hành cùng đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch, thời gian qua, các cấp CĐ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ NLĐ và lực lượng tuyến đầu với số tiền và hiện vật trị giá gần 4 nghìn tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn