MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cân nhắc khi đứng trước quầy thịt lợn. Ảnh: V.L

“Vắng bóng” thịt lợn trong các bữa ăn công nhân

HÀ ANH CHIẾN - NAM DƯƠNG LDO | 14/11/2019 12:15

Tình hình giá thịt lợn (hay thịt heo) tăng gần gấp đôi so với trước, cộng với dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến từng bữa ăn giữa ca của công nhân lao động (CNLĐ) từ trong nhà máy cho đến cuộc sống nơi nhà trọ. Tại nhiều nhà máy có đông công nhân tại TPHCM và Đồng Nai thời gian gần đây, thịt lợn “vắng bóng” trong các bữa ăn giữa ca của CNLĐ. Bữa ăn tại nơi nhà trọ công nhân cũng ít xuất hiện thịt lợn hơn trước.

Để bữa ăn ca vẫn đảm bảo đủ chất

Theo khảo sát của PV, trước cơn sốt tăng giá thịt lợn đang diễn ra thì đa phần các nhà máy, xí nghiệp đều tính toán giảm lượng thịt heo hoặc tạm ngưng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn ca của công nhân và thay thế bằng thực phẩm khác nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân (CN).

Tại Đồng Nai, chị Đoàn Thị Loan - phụ trách bếp ăn tập thể Công ty (Cty) Chang Shin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) - cho biết, so với năm 2018, giá thịt lợn năm 2019 đã tăng gấp đôi. Do đó, nguy cơ lợn bệnh, lợn chết bị tuồn vào bữa ăn công nhân là rất lớn. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên hơn nửa năm nay, các bếp ăn tập thể không phục vụ thịt lợn cho công nhân mà đổi sang các loại thực phẩm khác (cá, bò, tép, gà…) nhằm an toàn cho người lao động và không ảnh hưởng chất lượng bữa ăn công nhân.

Bữa ăn giữa ca của công nhân Công ty Chang Shin VN nhiều tháng nay đã “vắng bóng” thịt lợn. Ảnh: H.A.C

“Thịt lợn tăng giá cao như hiện nay rất khó cho các bếp ăn nấu cho CN, nên đành phải ngưng sử dụng và thực tế là không ảnh hưởng tới bữa ăn của CN trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tuyên truyền cho CNLĐ đồng cảm với bếp ăn tập thể về việc tạm không sử dụng thịt lợn. Người lao động khi được chia sẻ về việc tạm ngưng ăn thịt lợn để tránh lợn “bẩn” và giá cả leo thang nên đã hiểu và chia sẻ với Cty” - chị Loan cho biết thêm.Tương tự, tại Cty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai), nhiều tháng qua Cty cũng đã tạm ngưng việc sử dụng thịt lợn mà dùng nguồn thực phẩm thay thế như: Gà nhập từ Mỹ, cá biển, thịt bò, chi phí bữa ăn cũng không tăng đáng kể do Cty có nguồn đầu vào thực phẩm đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó tại TPHCM, ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch CĐ Cty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) - cho hay, từ hơn tháng qua, Cty đã chủ động thay thế các thực phẩm khác như thịt gà, cá thay cho thịt lợn trong bữa ăn trưa của CN, nhưng vẫn phải đảm bảo có thịt lợn cho CN trong tuần. Ngày nào Cty cũng có 3 thực đơn để cho CN chọn lựa phù hợp với sở thích của mình gồm một món chay, đồ ăn mặn ăn cơm với canh và một món nước (phở, hủ tiếu, mỳ). Trước khi thực phẩm được đưa vào nấu ăn, bộ phận kiểm tra an toàn của Cty (Công đoàn, y tế) sẽ kiểm tra đột xuất trực tiếp trên sản phẩm cũng như giấy chứng nhận an toàn để bảo đảm an toàn cho bữa ăn của người lao động (NLĐ). Chính vì thế đến nay, vẫn không xảy ra tình trạng lợi dụng thịt lợn tăng giá để tuồn thịt kém chất lượng vào bữa ăn của CN.

Còn ông Phan Công Minh - Giám đốc Cty CP Việt Hưng (Quận 12, TP.Hồ Chí Minh) - cho biết, công ty tự tổ chức nấu ăn cho NLĐ, nên chủ động điều chỉnh cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn “nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng vì NLĐ ăn đủ chất, có dinh dưỡng mới có sức khỏe làm việc”.

Công nhân chắt chiu từng bữa ăn

Không chỉ bữa ăn ca ở nhà máy, cuộc sống của CN nơi xóm trọ cũng thưa dần thịt lợn trong các bữa ăn. Ngày 13.11, ghi nhận của PV tại chợ CN nằm sát bên Cty Chang Shin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai), rất đông CN tranh thủ mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn tối sau giờ làm việc. Các sạp hàng rau củ, thủy sản luôn đông CN mua hàng, còn các sạp thịt lợn thì người mua thưa thớt.

Chị Vũ Thị Duyên - CN Cty Taekwang Vina, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai - nói rằng: “Trước đây, chúng tôi khi đi chợ hay mua thịt lợn vì dễ ăn và hợp với túi tiền CN, chỉ 20.000-30.000 đồng là có miếng thịt ba chỉ đủ cho cả nhà. Nhưng giờ giá thịt lợn đắt hơn gấp đôi nên mọi người ít ăn thịt lợn hơn trước”.

Cả tuần, chị Duyên chỉ mua thịt lợn về để cải thiện 1-2 bữa ăn. Chị Duyên chia sẻ, việc bớt được vài chục nghìn trong một bữa ăn là rất quan trọng để đảm bảo có đủ tiền chi tiêu trong tháng. Lương CN mới vào làm không tăng ca chỉ có 5 triệu đồng, 2 vợ chồng ở trọ nuôi 2 đứa con nhỏ với chỉ khoảng 10 triệu tiền lương thì tiền ăn trở thành vấn đề lớn. Những khoản khác như tiền đóng học phí cho con, tiền sữa, tiền nhà, tiền điện, tiền nước là những khoản “cứng” không thể bớt được. Do đó, tiền ăn là khoản mà nhiều công nhân tiết kiệm hết mức để giảm bớt gánh nặng chi phí.

“Giá thịt lợn tăng nên gia đình tôi chủ động thay thế bằng các loại thực phẩm khác như tôm, cá, trứng. Khi nào cần thiết, tôi mới mua thịt heo” - chị Nguyễn Thị Nhung - CN Cty CP May Phương Đông, nhà ở Phường 8, Quận Gò Vấp, TPHCM - chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn