MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều xóm trọ công nhân ở Khu công nghiệp Lương Sơn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Ảnh: Minh Chuyên.

Vắng công nhân thuê phòng, chủ trọ ở Hòa Bình hạ giá, e ngại sẽ phải gán nợ cho ngân hàng

Minh Chuyên LDO | 22/03/2024 14:36

Hòa Bình - Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến công việc của công nhân bị ảnh hưởng, gián tiếp làm nhiều xóm trọ gần khu công nghiệp trở nên vắng vẻ, nhiều chủ trọ rơi vào cảnh lao đao.

Những ngày giữa tháng 3.2024, PV Báo Lao Động có mặt tại Khu công nghiệp Lương Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Theo ghi nhận, hàng loạt dãy nhà trọ vốn đông đúc người ra vào nay trở nên đìu hiu, vắng vẻ, số phòng trống, không người thuê tăng lên từng ngày.

Nhiều phòng trọ không có người ở trong thời gian dài đã bị phủ bởi một lớp bụi và có dấu hiệu ẩm mốc, hư hỏng.

Vắng bóng công nhân thuê phòng tại các xóm trọ gần Khu công nghiệp Lương Sơn. Ảnh: Minh Nguyễn

Chị Đỗ Thị Huệ (chủ một xóm trọ tại xã Hòa Sơn, cách Khu công nghiệp Lương Sơn khoảng 1km) cho biết: "Tình trạng vắng công nhân thuê trọ đã diễn ra từ đầu năm 2023 đến nay, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán. Gia đình tôi có 30 phòng trọ nhưng nay chỉ có 8 phòng có công nhân thuê. Trước đây, lúc cao điểm, phòng chật kín, nhưng bây giờ thì chờ mãi chẳng có người đến hỏi thuê".

Theo chị Huệ, nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty, nhà máy tại Khu công nghiệp Lương Sơn ít việc làm hoặc có việc thì bấp bênh, dẫn đến công nhân phải đi tìm việc khác hoặc chọn về quê. Ngoài ra, do việc phát triển nóng, nhiều người xây nhà trọ dẫn đến cung vượt quá cầu.

"Vắng công nhân trọ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các chủ xóm trọ gần khu công nghiệp. Bởi lẽ, mỗi phòng trọ đầu tư khoảng 50-60 triệu đồng, như nhà tôi 30 phòng thì hết khoảng 1,8 tỉ đồng (chưa tính tiền đất). Số tiền này phải vay ngân hàng hoặc người thân quen và đều phải trả lãi hằng tháng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có lẽ sang năm, dãy nhà trọ này phải gán nợ cho ngân hàng" - chị Huệ chia sẻ.

Nhiều phòng trọ không có người ở đã phủ một lớp bụi. Ảnh: Minh Nguyễn

Bên cạnh đó, theo khảo sát của PV, nhiều chủ nhà trọ đã phải đóng cửa hoặc hạ giá nhưng người đến thuê không nhiều.

Chị Ngô Thị Nguyệt (40 tuổi, chủ một khu trọ khác ở huyện Lương Sơn) chia sẻ, trước đây, mỗi phòng cho thuê có giá trung bình khoảng 800 nghìn đồng/tháng. Hiện nay, nhiều xóm trọ đã hạ giá xuống còn 600 nghìn đồng/tháng nhưng cũng chẳng có người thuê.

Theo chị Nguyệt, trong khi tiền thu về giảm hơn trước rất nhiều nhưng chi phí cứng như điện, nước, khấu hao tài sản vẫn không thay đổi.

Chị Bùi Thị Ngọc (37 tuổi, quê tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho hay: "Tình trạng thiếu việc tại các công ty diễn ra từ năm 2023 đến nay, do đó, rất nhiều người bị mất việc phải đi chuyển đến địa phương khác hay về quê để tìm công việc mới. Cũng vì vậy mà xóm trọ tôi đang ở vắng tanh. Rất may, tôi vẫn còn được bám trụ lại đây".

Tuy vậy, thu nhập hiện tại của chị Ngọc rất thấp khiến cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. "Hiện hằng tháng, thu nhập của tôi chỉ khoảng 5 triệu đồng, chồng tôi trước cũng làm trong công ty nhưng nay là lao động tự do với thu nhập bấp bênh. Số tiền 2 vợ chồng kiếm được phải chi tiêu vô cùng tiết kiệm mà cũng chỉ đủ chứ không có dư", chị Ngọc bộc bạch.

Dấu hiệu xuống cấp tại các xóm trọ. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Đinh Quốc Thể - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình cho biết, qua nắm bắt tình hình, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Lương Sơn bị ảnh hưởng vì tình trạng giảm đơn hàng, sản xuất gặp khó khăn, khiến công nhân bị giảm thu nhập, thậm chí có người mất việc làm.

Theo ông Thể, so với lúc cao điểm, Khu công nghiệp Lương Sơn đã cắt giảm khoảng 2.000 lao động. Cá biệt trong năm 2023, có doanh nghiệp còn cắt giảm gần 1.000 công nhân.

"Việc làm bị cắt giảm đã làm ảnh hưởng đến các chủ phòng trọ, người kinh doanh, buôn bán tại khu vực này bởi thu nhập chủ yếu đến từ công nhân và người lao động" - ông Thể cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn