MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân thuê trọ ở gần KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Minh Hương

Vật giá leo thang, công nhân tính chuyện về quê

Minh Hương LDO | 19/03/2022 09:57
Giá lương thực, thực phẩm, xăng tăng cao trong khi tiền lương của công nhân chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nếu không được tăng ca. Trong khi đó, nếu mức giá các nhu yếu phẩm cao như hiện nay, nhiều công nhân sợ sẽ khó trụ lại ở thành phố.

Lương công nhân có hạn

Học hết cấp 3, chị Vi Thị Huế khăn gói xuống Thủ đô làm công nhân khi 19 tuổi. Được 4 năm, chị lập gia đình, 2 vợ chồng làm cùng công ty và thuê trọ ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Chị Huế làm công nhân một công ty thiết bị vệ sinh (Khu công nghiệp Thăng Long) với mức lương cơ bản gần 5 triệu đồng. Nếu được tăng ca đầy đủ, thu nhập tăng thêm 2-3 triệu đồng.

Từ tháng 2 đến tháng 3.2022, công ty chị có nhiều công nhân bị F0, chị Huế may mắn chưa bị nhiễm COVID-19 nên được điều động làm thêm giờ. Theo đó, ngày nào chị cũng làm 12 tiếng, cả thứ 7 và Chủ nhật. Khi được tăng ca có thêm thu nhập, chị Huế vui mừng vì tháng này có thêm tiền gửi về cho con. Nhưng niềm vui đó chỉ thoáng qua vì “dù có làm đến đâu, tiền nhận về cũng chẳng thấm vào đâu so với giá xăng, giá thực phẩm” - chị Huế nói.

Căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2, được thuê với giá 800.000 đồng/tháng, vợ chồng chị Huế sắm gần như đầy đủ. Người phụ nữ này cho hay, là gia đình nên phòng trọ cũng phải giống như nhà mình, vậy mới gìn giữ được tổ ấm.

Gia đình chị Huế có con 3 tuổi, hiện đang gửi ở quê Cao Bằng cho ông bà nội chăm sóc. Khi bé  2 tuổi, chị Huế xót con nhỏ, không đành lòng xa con, nhưng vì dịch bệnh con không thể đến lớp, tiền gửi con cao nên người mẹ trẻ không còn cách nào khác - đành gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp. Chị chỉ có thể bù đắp cho con bằng những bộ quần áo mới, hộp sữa những đợt có lương hay cuộc gọi điện thoại qua video.

Cuộc sống mưu sinh, mỗi tháng chị và chồng chi 1,2 triệu đồng cho tiền thuê trọ (cả điện và nước, mạng…), 3 triệu đồng nuôi con, xăng xe và điện thoại của 2 vợ chồng khoảng 800.000 đồng. Khi giá cả ở mức bình ổn, 700.000 đồng là có đủ thực phẩm cho 2 vợ chồng trong vòng 1 tuần. Nay từ sữa tắm, dầu gội, gói mì, bó rau cũng tăng giá, tất cả chi phí đều đội lên. “1,5 triệu đồng để tiêu trong vòng tuần cũng khó đủ. Trong khi lương của chúng tôi có hạn” - nữ công nhân chia sẻ.

Chị Huế bảo, công nhân có tăng ca đến đâu lương cũng không thể cao, chỉ ở mức đủ sống. Nay vật giá leo thang, chị Huế sợ rằng thu nhập của 2 vợ chồng công nhân 15 triệu đồng/tháng cũng khó thể đảm bảo cuộc sống. Nếu cứ kéo dài thế này, tôi sợ sẽ khó trụ lại được ở đây.

Tiền tăng ca tỉ lệ nghịch với vật giá

Một mình làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long được 4 năm nay, chị Nguyễn Thị Bền chia sẻ, thu nhập hằng tháng của chị ở mức hơn 6 triệu đồng, nếu giá xăng, thực phẩm vẫn cứ đà tăng như hiện nay, chị đã nghĩ tới phương án về quê sinh sống.

“Nếu xa con mà không dư dả tiền bạc, tôi thà về quê còn hơn” - chị Bền nói.

Năm 2021, chị Bền liên tục phải ngưng việc, giãn việc do dịch bệnh. Có thời điểm khó khăn nhất, chị phải nhờ đến cứu trợ của nhóm từ thiện. “Lúc đó tôi muốn nghỉ việc, về nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Nhưng tôi hy vọng năm 2022 công việc sẽ tốt hơn nên vẫn ở lại” - chị Bền cho hay.

Sang năm 2022, chị Bền được làm thêm giờ 2-3 tiếng/ngày, một tuần 4-5 ngày. Song dù có được thêm tiền thì theo chị Bền là “không nhằm nhò gì khi giá cả đều tăng mạnh!”

Trong bối cảnh giá thực phẩm “té nước” theo xăng, lương tối thiểu vùng không thay đổi, thu nhập của công nhân lao động càng tỉ lệ nghịch với vật giá, tâm lý muốn bỏ phố về quê đã dần xuất hiện trong họ.

2 năm qua mức lương tối thiểu vùng chưa tăng, hiện tại vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng. Khu công nghiệp Thăng Long áp dụng mức lương tối thiểu của vùng 1 là 4.420.000 đồng/ tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn