MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thực phẩm tăng theo giá xăng khiến nhiều công nhân chọn đi chợ cuối chiều để mua giá rẻ hơn dù biết hực phẩm lúc này không còn tươi ngon nữa. Ảnh: P. Linh

Vật giá tăng, người lao động Miền Trung chưa ráo mồ hôi đã hết tiền

Phương Linh - Tường Minh LDO | 14/03/2022 18:21

Người lao động, đặc biệt là lao động tự do các tỉnh Miền Trung đang khó khăn chồng khó khăn, mồ hôi chưa ráo đã hết tiền khi vật giá tăng theo giá xăng dầu.

Bần thần trước hàng cá...

Trở về từ công trường lúc chiều muộn, anh Nguyễn Văn Đức (ở trọ đường Phước Long, phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) ghé chợ Bình Tân mua thức ăn.

Anh bần thần trước hàng cá cuối ngày với giá từ 250.000 đồng/kg đến loại thấp nhất cũng 120.000 đồng/kg dù không còn tươi ngon như sớm. “Cá chiều mà cũng đã tăng như thế nên tôi cũng đành mua 3 con loại rẻ nhất về dành ăn 2 bữa”- anh Đức cho biết.

Anh bảo giờ về quê Phú Yên thì cũng không có việc nên ráng ở lại Nha Trang. “Đầu năm tới giờ, việc nhiều nhưng tiền thuê trọ, ăn uống cũng hết. Trước tôi ăn cơm quán nhưng mấy nay dịch bệnh với giá đắt đỏ quá nên về tự nấu ăn.

Lương thì không tăng mà còn giảm, trong khi chi phí giờ tăng cao quá, gì cũng bảo do xăng tăng nên mỗi thứ buộc phải tăng thêm chút nên làm đến đâu hết đến đó, chẳng dám nghĩ đến việc lập gia đình” - anh Đức nói.

Ngần ngừ trước hàng cá thịt khi bước vào chợ như anh Nguyễn Văn Đức, giờ đây là tâm trạng chung của tất cả người lao động, đặc biệt là người lao động tự do vốn thu nhập luôn bấp bênh ở hầu khắp các tỉnh Miền Trung.

Như vợ chồng anh Lê Vũ Đức - công nhân một công ty xây dựng tư nhân ở Đà Nẵng - những ngày này cũng đang điêu đứng khi mọi chi tiêu trong gia đình bỗng chốc nhảy múa theo giá xăng. Với mức thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng một tháng của cả hai vợ chồng, từ mấy năm nay, vợ chồng anh đã luôn cảnh thiếu trước hụt sau do có hai con nhỏ đang tuổi đi học.

“Trước đi chợ chỉ mất 100.000 đồng là đủ cho cả nhà 4 người ăn một ngày, nay 200.000 đồng mà không thấy gì. Đã thế, nhà có 1 người F0 là phải thêm tiền bổ sung mua trái cây, thuốc men phòng chống dịch... Xưa họ hay ví người lao động như chúng tôi là ráo mồ hôi là hết tiền. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng với chúng tôi bây giờ bởi thực tế, tiền đã hết, đã thiếu khi mồ hôi của chúng tôi vẫn còn đang chảy” - anh Đức nói.

Thu nhập giảm và mọi thứ tăng...

Trong thời buổi giá cá leo thang thế này, người lao động bình thường khó khăn một thì những người làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ còn bị tổn thương đến mười do “vết thương” của hơn 2 năm dịch COVID-19 vẫn còn chưa lành miệng.

Chị Diệu An - người lao động của một doanh nghiệp du lịch tại thành phố Hội An - than thở: Hơn 2 năm vật vã với cuộc sống không lương và làm thợ đụng (đụng việc gì làm việc đó), mãi đến gần đây, vợ chồng Diệu An mới được công ty cũ gọi đi làm trở lại khi Hội An mở cửa du lịch.

“So với trước dịch, thu nhập của vợ chồng em bây giờ chỉ bằng khoảng 70-80% do doanh nghiệp mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên, xăng và mọi thứ thì lại tăng gấp đôi, gấp rưỡi nên cuộc sống giờ không biết diễn tả thế nào cho hết ý ngoài việc nói vết thương cũ còn chưa lành thì đã có vết thương mới chồng lên...” - chị Diệu An nói.   

Tương tự là cuộc sống của anh Anh Nguyễn Đình Tú - nhân viên một công ty du lịch ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Mấy hôm nay, anh Tú tất tả ngược xuôi tìm chuyển chỗ trọ mới với giá rẻ hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Anh Tú cho hay: “Lượng khách mới khởi sắc trở lại nên công ty cũng duy trì được mức lương cũ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vợ đi làm lại cũng được 5 triệu đồng/tháng nữa mà chi phí thuê trọ mất 2 triệu đồng/tháng nên vợ chồng quyết định tìm chỗ nhỏ hơn, rẻ hơn còn 1 triệu đồng/tháng.

Đợt này cũng cắt bớt các khoản đi cà phê ngày nghỉ, nhậu để bù thêm tiền gửi ông bà nuôi con ngoài quê. Nhưng giá cả tăng cao thế này vợ chồng tôi cũng không biết có gồng được đến bao giờ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn