MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, góp ý tại hội nghị. Ảnh: Phương Ngân

Vay vốn CEP để nuôi bò, công nhân khó chứng minh mục đích vay

Phương Ngân LDO | 26/10/2023 17:47

Điều kiện, thời gian giải ngân vốn vay cho công nhân, người lao động là những ý kiến cán bộ Công đoàn nêu tại Hội nghị góp ý Dự thảo Chương trình Công đoàn TPHCM đẩy mạnh hoạt động trợ vốn cho đoàn viên - người lao động, góp phần tham gia phòng chống “tín dụng đen", do LĐLĐ TPHCM tổ chức ngày 26.10.

Nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay của CEP rất lớn

Trong thời gian qua, hoạt động chăm lo trực tiếp cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) đã được Công đoàn các cấp triển khai đến đông đảo đoàn viên, NLĐ.

Trong đó, có phương thức tài trợ vốn thông qua Tổ chức Tài chính Vi mô CEP (CEP). Giai đoạn 2018-2022, bằng nguồn vốn tích lũy hằng năm, vốn vay, vốn huy động tiết kiệm từ khách hàng của CEP và từ các cấp Công đoàn, bình quân mỗi năm CEP đã hỗ trợ vốn vay cho hơn 362.000 đoàn viên, NLĐ.

Doanh số phát vay bình quân hàng năm hơn 8.500 tỉ đồng, tổng dư nợ đến hết ngày 31.12.2022 hơn 5.600 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021, cùng những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội từ cuối năm 2022 đến nay, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, đời sống của công nhân, NLĐ.

Tình trạng mất việc, giảm thu nhập, khiến nhu cầu vay vốn tăng cao là cơ hội để “tín dụng đen" tiếp cận đến công nhân, NLĐ (đặc biệt tại các KCX và CN với hơn 320.000 người).

Do đó, nhu cầu của công nhân, NLĐ tiếp cận nguồn vốn vay của CEP là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay còn một số lý do khiến họ khó tiếp cận vốn vay.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng - góp ý CEP nên mở rộng đối tượng vay. Ảnh: Phương Ngân

Khó chứng minh mục đích vay

Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức), việc chứng minh mục đích vay khi vay vốn tại CEP khiến công nhân, NLĐ gặp khó. Bởi với nhiều khoản vay nhỏ 5-10 triệu đồng, rất khó chứng minh mục đích vay.

“Rất nhiều công nhân của chúng tôi có nhu cầu vay vốn. Khi hỏi vay làm gì, công nhân nói vay để nuôi bò ở quê, hay gửi tiền về quê cho con đi học. Vậy chứng minh mục đích vay bằng cách nào?”, ông Hồng nêu vấn đề.

Nên mở rộng đối tượng vay

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh) - đánh giá cao vai trò của quỹ CEP trong việc hỗ trợ vốn vay cho công nhân, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong công nhân, NLĐ và chủ doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, trước đây, công nhân chỉ cần có hợp đồng lao động (HĐLĐ) là được vay, nhưng hiện nay phải có HĐLĐ trên 2 năm mới đáp ứng điều kiện. Trong khi, những công nhân mới vào làm tại doanh nghiệp 1 - 2 năm mới là đối tượng có nhu cầu vay để ổn định cuộc sống.

“Tôi nghĩ mục đích cho đối tượng làm trên 2 năm vay để giảm tỉ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nghiên cứu để làm sao vừa giúp giảm nợ xấu, vừa mở rộng đối tượng vay”, ông Hùng nói.

Bà Vũ Thế Vân - Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TPHCM - đề xuất giải ngân vốn vay trước Tết cho công nhân, NLĐ. Ảnh: Phương Ngân

Giải ngân vốn vay trước Tết rất quan trọng

Bà Vũ Thế Vân - Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TPHCM - cho rằng, thời điểm trước Tết là lúc công nhân, NLĐ có nhu cầu vay vốn. Mặc dù đã có những chương trình chăm lo Tết thiết thực, phù hợp với công nhân, NLĐ, nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc giải ngân vốn vay trước Tết rất quan trọng. Vì công nhân có nhu cầu vay vốn trước Tết để chuẩn bị, chăm lo cho gia đình.

“Mong CEP nghiên cứu để làm sao điều phối cho phù hợp, đảm bảo với tình hình nhu cầu vay vốn của công nhân, NLĐ trên địa bàn thành phố. Nếu qua Tết mới giải ngân khoản vay thì điều đó không còn ý nghĩa”, bà Vân góp ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn