MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vệ tinh MicroDragon ghi tên Việt Nam vào bản đồ vũ trụ thế giới

ĐẶNG TIẾN LDO | 02/07/2019 09:22

Vào 7h50 ngày 18.1.2019, tại trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản), vệ tinh MicroDragon đã được tên lửa Epsilon số 4 phóng vào quỹ đạo, đánh dấu một bước tiến lớn của khoa học Việt Nam trong việc chinh phụ vũ trụ. Sau khi được phóng vào quỹ đạo, vệ tinh MicroDragon đã liên lạc với trạm mặt đất tại ISAS/JAXA và trung tâm điều khiển tại Đại học Tokyo với các kết quả từ vệ tinh gửi về ở trạng thái tốt và các chức năng đúng theo thiết kế.

Vừa làm vừa học

Vệ tinh MicroDragon là một sản phẩm nằm trong hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Vệ tinh MicroDragon trong quá trình lắp đặt vào tên lửa Epsilon số 4 tại JAXA. Ảnh: P.V

 Nhiệm vụ chủ đạo của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. MicroDragon được thiết kế, chế tạo bởi 36 nghiên cứu viên đều ở lứa tuổi 30, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sĩ công nghệ vệ tinh; đồng thời trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.

Trong quá trình chế tạo vệ tinh, nhóm đã tự nghiên cứu, xác định mục đích hoạt động, nhiệm vụ của vệ tinh, thiết kế, thử nghiệm, tích hợp cũng như kiểm tra hoạt động của vệ tinh trước khi phóng lên quỹ đạo. Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tiếp nối thành công của vệ tinh Pico Dragon (vệ tinh được phóng thành công tháng 9.2013), vệ tinh Micro Dragon có kích thước 50x50x50cm, khối lượng khoảng 50kg. Khi được phóng lên quỹ đạo, Micro Dragon sẽ tiến hành quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất, sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên trái đất,…

“Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam”, PGS TS Phạm Anh Tuấn cho biết.

Vệ tinh Made in Vietnam

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho hay, nếu đi mua thì giá thành có thể rẻ hơn nghiên cứu sản xuất, nhưng mãi mãi chúng ta không làm chủ được công nghệ. Song bắt đầu từ đâu thì phải vừa làm vừa học vì chúng ta chưa có nền tảng chuyên sâu về công nghệ vệ tinh. Với suy nghĩ này, từ năm 2007, các kỹ sư của trung tâm phải vừa làm vừa mày mò học từ những kiến thức cơ bản nhất về quy trình phát triển vệ tinh và sau 7 năm ý tưởng đó mới thành hiện thực. PGS TS Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, công nghệ vệ tinh không những đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao mà còn đầu tư tốn kém. Tuỳ theo mục đích sử dụng, chi phí sản xuất sẽ khác nhau, từ vài chục nghìn USD tới vài trăm triệu USD.

Thành công ban đầu trong việc phóng và vận hành vệ tinh MicroDragon trên quỹ đạo đã là động lực khích lệ đội ngũ cán bộ tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có thể phát triển và thực hiện được các công việc khó khăn hơn trong tương lai. Với một chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho nhiều năm về sau được định hướng từ Chính phủ, sự phát triển của công nghệ vũ trụ tại Việt Nam trong thời gian tới là một lĩnh vực hứa hẹn nhưng cũng đầy thử thách. Nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cùng với việc từng bước làm chủ công nghệ sẽ là những nhiệm vụ cốt lõi trong thời gian tới của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thực hiện giấc mơ sản xuất vệ tinh “Made in Vietnam”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ vũ trụ thế giới.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn