MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ buộc phải từ bỏ lương hưu, rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì chưa tìm được công việc mới. Ảnh minh hoạ: Đỗ Phương

Về tình trạng “Bất đắc dĩ phải từ bỏ lương hưu”: Không thể “bỏ rơi” NLĐ

Đỗ Phương LDO | 17/11/2021 11:34
Làn sóng COVID-19 khiến không ít công nhân lao động rơi vào cảnh mất việc, thất nghiệp. Để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, họ bắt buộc phải từ bỏ lương hưu, rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. Làm cách nào để vừa có lương hưu khi về già, vừa có tiền lo cho cuộc sống hiện tại trở thành nỗi day dứt của nhiều lao động...

Từ bỏ lương hưu sớm vì thất nghiệp

Chị Đỗ Thị Thắm, 48 tuổi (quê ở Thanh Hoá) đã đóng BHXH được 15 năm. Chị Thắm làm công nhân ở Bình Dương, trong mùa dịch trước, chị Thắm bị mất việc, đành trở về quê.

Trước đó, dù đã xin việc khắp nơi nhưng chị Thắm đều bị từ chối vì hầu hết công ty chỉ tuyển nhân sự dưới 35 tuổi. Không còn cách nào khác, chị Thắm “ngậm đắng” rút BHXH 1 lần. “Cầm trên tay hơn 20 triệu đồng tiền BHXH 1 lần, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rút chế độ 1 lần khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu” - chị Thắm nói.

Là nguồn thu nhập chính trong đình, chị Thắm khổ sở vì rơi vào cảnh thất nghiệp. Con gái đầu của chị đã có gia đình riêng, nhưng chị Thắm vẫn đang nuôi cậu con trai học lớp 12 và sống cùng mẹ già. Chưa tìm được công việc mới, chị Thắm lo số tiền nhận BHXH 1 lần chẳng mấy chốc sẽ tiêu hết. Chị Thắm liệt kê về các khoản phải chi: Cậu con út đang học cuối cấp, chi phí học thêm, ôn thi hằng tháng không hề ít, thêm tiền thuốc men cho mẹ rồi vô số các khoản chi khác lo cho cuộc sống...

Chị Thắm biết việc rút BHXH lần này giải quyết được những khó khăn trước mắt nhưng khi già yếu, không có lương hưu, liệu con cái có thu nhập ổn định để lo cho mình? Hoặc, bây giờ muốn tham gia tiếp BHXH theo phương thức tự nguyện cũng phải có thu nhập nhất định. Điều này khiến chị Thắm phải trăn trở: “Tôi không muốn sau này già quá phụ thuộc vào con cái. Nhưng nếu muốn đóng tiếp BHXH thì tiền đâu để đóng?”.

Không thể “bỏ lửng” Người lao động

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, với những lao động độ tuổi 40-45 phải về quê và khó xin việc, thì địa phương phải có chính sách việc làm cụ thể mang tính dài hạn để tạo công ăn việc làm cho họ.

Theo đó, địa phương có thể hỗ trợ chuyển đổi nghề, có biện pháp giúp NLĐ tái hoà nhập vào thị trường lao động. “Không thể bỏ lửng NLĐ, để họ tự lo” - bà Hương nhận định.

Chia sẻ về vấn đề NLĐ mất việc và rút BHXH 1 lần, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho hay: Biết rằng NLĐ không nên rút BHXH 1 lần vì ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh về sau. Tuy nhiên, trường hợp phải từ bỏ lương hưu chắc hẳn bất đắc dĩ mới phải làm vậy.

Số tiền tham gia BHXH hiện nay là NLĐ đóng 8%, doanh nghiệp đóng 18%. Để thuận lợi cho NLĐ rút BHXH 1 lần, bà đề xuất các biện pháp: Nếu NLĐ muốn rút BHXH 1 lần thì chỉ rút phần mà NLĐ đóng BHXH, phần doanh nghiệp đóng cho NLĐ vẫn giữ nguyên.

Quy định số năm đóng BHXH là 20 năm được hưởng 45% tiền lương sau đó mới tăng dần theo thời gian. Do vậy, chỉ nên rút phần NLĐ đã đóng BHXH, phần còn lại của doanh nghiệp thì giữ lại cho NLĐ có một khoản tiền khi về già. Ngoài ra, nếu làm theo cách này, số năm đóng BHXH của NLĐ vẫn sẽ được bảo lưu.

“Nếu NLĐ khó khăn và chưa tìm kiếm được công việc, phải cần đến khoản tiền từ BHXH 1 lần, theo tôi, chỉ để NLĐ rút phần mà họ đóng BHXH và có thể thêm 1 số chính sách hỗ trợ họ. Còn số tiền BHXH doanh nghiệp đóng cho NLĐ thì giữ lại cho NLĐ hưởng hưu trí, để họ vẫn nằm trong hệ thống BHXH. Hoặc dựa vào số tiền BHXH còn lại của doanh nghiệp để có những chính sách bảo lãnh cho NLĐ vay hoặc thực hiện các chính sách về tín dụng” - bà Hương chia sẻ thêm.

Trước đó, trong buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, quy định hiện nay là 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí. Do vậy, Nghị quyết 28 đã nêu rõ hướng cần rút ngắn thời gian này lại. Lộ trình có thể rút xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu NLĐ tham gia đóng BHXH mà chỉ chờ 10 năm hoặc 15 năm đã được rút hưởng thì người ta theo đuổi để người ta hưởng lương hưu về già. Đây là một nhu cầu chính đáng, thực tế khách quan của NLĐ. Quy định rút ngắn thời gian và các điều kiện để được hưởng BHXH thì nhiều NLĐ sẽ tham gia, ở lại trong hệ thống nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn