MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu nhà trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội có môi trường sống không đảm bảo cho con công nhân. Ảnh: Quế Chi

Vì mưu sinh, 30,2% trẻ là con công nhân phải sống xa cha mẹ

Minh Hương - Quế Chi LDO | 12/04/2024 06:31

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, có 30,2% trẻ là con công nhân từ độ tuổi 0 đến dưới 16 tuổi đang phải sống xa cha mẹ. Với đặc thù công việc, đa số công nhân phải tăng ca, làm thêm giờ dẫn đến phải gửi con về quê vì không có thời gian chăm sóc. Việc trẻ không được ở cùng cha mẹ ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Xoay xở để chăm lo cho con tốt hơn

Cách đây vài tháng, chị Vũ Thị Linh (28 tuổi, quê Nghệ An) phải xin nghỉ làm ở công ty để đưa con gái đi khám bệnh. Chị Linh hiện là công nhân ở Cụm công nghiệp Phú Minh (phường Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).

Con đã 4 tuổi nhưng chậm nói, không thích tiếp xúc với người lạ, kết quả khám bệnh cho thấy, cháu có dấu hiệu tự kỷ, khiến chị Linh bàng hoàng, lo lắng.

Chị Linh bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh, phần do di truyền, phần do môi trường xung quanh tác động.

Nghĩ lại quãng thời gian mang bầu và bắt đầu đi làm trở lại sau thời gian nghỉ sinh, chị Linh lao vào công việc. Ngoài việc đi làm giờ hành chính ở công ty, chị Linh còn xin đi làm thời vụ ở nơi khác. Là trụ cột chính, nữ công nhân phải cố gắng 300% sức lực. Chồng chị từng bị tai nạn giao thông nên chỉ gánh vác công việc nhẹ.

“Tôi phải gửi con về cho bà ngoại. Nhiều chi phí phát sinh, nếu không đi làm thêm, gia đình không biết trông chờ vào đâu” - chị Linh nói.

Cũng bởi vì cuốn vào guồng quay công việc, nữ công nhân nhận ra bản thân dành khá ít thời gian cho con nhỏ.

“Những năm tháng đầu đời của con là thời gian quan trọng nhất, nhưng tôi lại quá quan tâm việc kiếm tiền, không tương tác với con nhiều” - chị Linh tâm sự.

Hiện tại, hy vọng con có tiến triển tốt hơn, chị Linh chỉ đăng ký làm giờ hành chính, không tăng ca.

“Ngoài việc giao tiếp bình thường, tôi cũng hay hát và đọc truyện cho con nghe. Chi phí cho buổi học can thiệp của trẻ tự kỷ so với với mức lương công nhân rất chênh nhau. Tôi không đủ khả năng” - nữ công nhân cho hay.

Nghỉ làm về quê vì không ai trông con

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều vợ chồng công nhân gửi con về quê để tập trung làm việc, tăng ca kiếm thu nhập. Ngược lại, có những trường hợp công nhân chấp nhận khó khăn, mang con nhỏ lên ở cùng để được gần con, chăm sóc con tốt hơn.

Cũng có những nữ công nhân sinh con xong đồng nghĩa là nghỉ làm công nhân để trở về quê bởi những khó khăn không thể khắc phục...

Cách đây 1 năm, khi sinh con, chị Lê Thị Ngọc Hà đã trở về quê ở Hà Tĩnh, chấm dứt quãng thời gian 10 năm làm công nhân của mình tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Chị Hà cho biết, dù vẫn muốn tiếp tục làm công nhân, nhưng con nhỏ không có người trông nên hai mẹ con đành ở quê, không tiếp tục ra Hà Nội.

“Bố mẹ đã già yếu, không thể ra Hà Nội để giúp vợ chồng tôi trông con. Nếu không có người giúp, vợ chồng công nhân như chúng tôi sẽ không thể xoay xở được, nhất là khi phải làm ca kíp, không cố định giờ giấc” - chị Hà chia sẻ.

Trước khi về quê, tổng thu nhập của nữ công nhân này được khoảng 7 triệu đồng/tháng nếu chỉ làm giờ hành chính; nếu làm thêm, thu nhập của chị tăng thêm được 1-2 triệu đồng/tháng. Thu nhập này khá ổn định, nhưng vì con, chị đành phải dứt bỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn