MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ công đoàn vận động công nhân Viet Glory vì doanh nghiệp, để doanh nghiệp vì người lao động mà cải thiện môi trường làm việc. Ảnh: Hải Đăng

Vì người lao động - góc nhìn từ một cuộc thi sáng tác văn học

linh anh LDO | 29/10/2023 06:00

Người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Đó là điều mà nhiều người hay nhắc đến. Nhưng làm thế nào để tài sản ấy phát huy hết giá trị, dành tâm huyết để lao động mang lại thu nhập chính đáng cho gia đình, làm giàu cho doanh nghiệp, đóng góp từng công sức vào sự phát triển của đất nước là một vấn đề không hề đơn giản.

Ai bảo vệ người lao động? Họ cần được bảo vệ những gì? Trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân đến đâu? Sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động được thể hiện cụ thể ra sao?

Những câu hỏi tưởng chừng rất thời sự ấy hoá ra lại là chất liệu, một mạch ngầm, một dạng tài nguyên để các nhà văn khai thác và đào sâu. Điều này được thể hiện rõ nét trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân công đoàn đang được Tổng LĐLĐVN, Hội nhà văn tổ chức, Báo Lao Động là đơn vị thực hiện.

Có lẽ không phải vô tình mà Nguyễn Hiệp đặt tên cho truyện ngắn của mình là "Điểm cực hạn". Anh tâm sự rằng: “Hoạt động Công đoàn là một công việc nhọc nhằn cả sức lực lẫn tâm trí, nhất là công tác Công đoàn ở những cơ sở có nhiều công nhân và liên quan đến yếu tố nước ngoài, người nước ngoài với vô vàn khác biệt về văn hóa. Mỗi lời nói, cử chỉ và lòng nhiệt thành, khéo léo, thông minh, hiểu biết của cán bộ Công đoàn đều liên quan mật thiết đến đời sống tinh thần, vật chất của hàng ngàn công nhân, hàng ngàn gia đình, liên quan đến sự thành bại của từng cuộc đấu tranh vì những quyền lợi hợp pháp.

Và “Điểm cực hạn” là truyện ngắn tôn vinh sự hy sinh hết lòng vì mọi người, niềm tin vào con người, niềm tin vào lẽ phải của cán bộ Công đoàn cơ sở, đồng thời tái hiện, phân tích những tình huống cân não, nghẹt thở đòi hỏi không chỉ sự thông minh, bản lĩnh của cán bộ Công đoàn mà còn phải có sự nối kết, song hành, hiệp lực của toàn thể công nhân.

Sự hợp lý, lẽ công bằng luôn phải đấu tranh, bảo vệ mới có được và trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân luôn cần thiết phải có tổ chức Công đoàn cùng sát cánh, kề vai. Đó là thông điệp quan trọng mà tôi muốn gửi đến mọi người”.

“Điểm cực hạn” không nói về giới hạn hoạt động của tổ chức Công đoàn mà chính là nói về sự chịu đựng của những người lao động trong bối cảnh hiện tại nhất là ở những nơi, những doanh nghiệp chưa tạo điều kiện tốt cho người lao động.

Hãy đọc một đoạn trong truyện ngắn "Điểm cực hạn": “Hơn ai hết, tôi biết chỉ cần một lời nói không hợp tình hợp lý lúc này sẽ dẫn tới hậu quả không lường. Điều quan trọng tôi cần bây giờ là quyền lợi hợp pháp của toàn bộ công nhân chứ không phải chuyện ai đi ai ở.

Tôi hiểu cái cách né tránh vấn đề chính rất khôn ngoan, nếu không nói là cáo già của một người làm kinh tế lão luyện như Phó Chủ tịch Tập đoàn Shin. Nhưng dù sao đó cũng là thắng lợi bước đầu, ông ấy đã xác nhận thực trạng, để cho số đông công nhân bất ổn, bức xúc, đình công, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất là một thất bại không thể tha thứ của người đứng đầu công ty. Xét cho cùng, điều tôi tha thiết mong muốn vẫn là tìm được tiếng nói chung của ban tổng giám đốc, các giám đốc và công nhân, trong đó quyền lợi, đời sống công nhân phải được quan tâm, bảo vệ thỏa đáng.

Hai ngày trước, biết tin Phó Chủ tịch Shin từ Đài Loan (Trung Quốc) sang, tôi đã nghĩ ngay đây là cơ hội đấu tranh, cơ hội trình bày bức xúc và nguyện vọng của hàng ngàn công nhân vốn âm ỉ, vốn bị phớt lờ bởi tên Tổng Giám đốc Lee, kẻ duy ý chí đến mức bất nhân. Tôi đã nhiều lần nói với hắn: Công nghệ có thể giải quyết những bài toán hiệu quả nhưng nếu ông không thật chú trọng đến con người thì có ngày tất cả sẽ bằng không.

Lee đã hơn một lần phẩy tay, xổ toẹt vào mặt tôi: Vớ vẩn! “Shí shù hù shù”, ăn cây nào rào cây nấy đi, ai trả lương cho bà mà cứ lo chuyện bao đồng... Hắn đã độc địa buông một câu khiến tôi nhục nhã, tổn thương mãi đến giờ, “Qigài tao ròu zòng” (ăn mày mà đòi xôi gấc hả con)?! Hắn tưởng tôi không hiểu câu ẩn dụ đó nhưng tôi hiểu nên tôi đã đau thật sự, tôi đã mang lấy một vết thương trầm ngâm, có lẽ sẽ mang theo trong suốt cuộc đời mình. Và hôm nay, hắn đã phải trắng mắt ra!

Tôi là người phụ trách Công đoàn cơ sở lâu năm ở đây nên biết nhiều và nhạy hơn. Tôi vừa mở lời thăm dò là tất cả đã bùng vỡ, tôi biết ngay mà, những gì đang chực trào dâng từ cộng đồng ấy tôi đã mường tượng được, giờ thì như giọt nước tràn ly. Tôi đã nói với mọi người: Đây là dịp công nhân chúng ta phải xác định lại mục đích hai chữ “làm việc”: Làm việc cho chúng ta, cho xã hội hay làm việc để phục vụ lợi ích cho một nhóm người nào đó?”

Một câu hỏi đau đáu và đã rõ phần trả lời. Người lao động làm việc đầu tiên vì cá nhân họ, vì gia đình họ, sau đó là vì sự phát triển của doanh nghiệp và thông qua đó đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Nó không thể là mối quan hệ một nhiều. Trách nhiệm của xã hội là chăm lo cho người lao động bằng chính sách, trách nhiệm của doanh nghiệp là đảm bảo việc làm, phúc lợi, môi trường làm việc thuận lợi.

Cụ thể hơn, truyện ngắn "Kim chỉ và Hoa" của Nguyễn Thu Huyền nói về cuộc đấu tranh không khoan nhượng của cán bộ Công đoàn khi bữa ăn ca của công nhân bị xâm phạm.
Thắm - một cán bộ công đoàn đã đứng lên, từ chối những khoản tiền “phong bì” của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho công nhân.

Hãy xem một đoạn thoại của Thắm với ông chủ Thản: “Ông Thản ra sức thuyết phục nhưng Kim vẫn giữ thái độ cương quyết.

- Cháu hiểu ý bác. Nhưng bác cũng biết Công đoàn là đại diện cho tiếng nói của toàn thể anh chị em trong công ty. Chúng cháu phải đặt quyền lợi của công nhân lên hàng đầu. Buổi họp trước cháu đã trình bày rồi, bữa ăn ca bên bác đang cung cấp hiện không đáp ứng đủ tiêu chuẩn Công đoàn mới đề ra là “No, ngon, an toàn, đủ dinh dưỡng”. Thiếu một trong bốn tiêu chuẩn này đều không được bác ạ!

- Tôi hiểu cái khó của chị nhưng mong chị cũng hiểu chỗ khó của tôi. Đơn giá công ty đang làm với phía tôi là hai mươi ba nghìn một suất, mà đấy chị xem, giá cả thì leo thang vù vù, tôi cũng chật vật lắm! Chưa kể các khoản chi phí “thường xuyên”, không chi không được.

- Cháu có quan sát các suất ăn bên bác cung cấp rồi. Phòng ăn của quản lý thì rất đầy đặn, ngon miệng nhưng bên phòng ăn công nhân thì chưa được đảm bảo. Tình trạng này kéo dài nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc gần đây.

- Trong tuần thì cũng phải có bữa nọ bữa kia, quan trọng là từ ngày bên tôi cung cấp đâu có ai bị đau bụng, tiêu chảy vì ăn cơm trưa đâu? Tôi nghe báo đài đưa tin nhiều nhà máy khác công nhân ăn trưa xong phải nhập viện cả loạt. Từ cái này chị Kim có thể thấy thực phẩm tôi cung cấp cho công ty là đảm bảo an toàn. An toàn lúc nào cũng phải đặt lên đầu, còn mấy cái sau có thì tốt, mà không có thì cũng nên du di theo hoàn cảnh.

- Đúng là chưa ghi nhận trường hợp nào phải nhập viện nhưng tình trạng công nhân bỏ cơm hoặc ăn ít, ăn không ngon miệng lại rất phổ biến. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe anh chị em, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động nên không thể coi là “có cũng được, không có thì du di”.

Biết không lay chuyển được Kim, ông Thản đành xuống giọng:
- Chị Kim đã nói vậy thì tôi cũng không dám giấu, hôm nay tôi qua nhà là có chuyện nhờ tới chị, mong chị tác động phía Công đoàn để tôi tiếp tục thầu nhà ăn - ông Thản nghiêng người về phía Kim nói nhỏ - chỗ tôi chắc chắn cũng không để chị bị thiệt.

Nói rồi ông đẩy túi hoa quả để phía Kim. Làm như vô ý, ông để lộ chiếc phong bì dưới mấy túm vải. Kim sầm mặt nghiêm giọng hơn hẳn ban đầu.

- Mong bác mang túi quà về cho, cháu không nhận được. Còn việc liên quan tới nhà ăn của công ty, cháu nghĩ ta cứ trao đổi trực tiếp tại buổi họp là tốt nhất...”.

Để rồi, cuộc họp sau đó dẫn đến cái kết rất có hậu: “Mọi con mắt đổ dồn về phía Kim. Dưới hành lang dài và hẹp, một tia nắng trong sau mưa vắt lên vai Kim, chị nhìn về phía cửa kính, mỉm cười và khẽ phất tay ra hiệu. Công nhân nhận ra đó là dáng điệu phất cờ chiến thắng. “Thắng rồi! Công đoàn thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!” Công nhân nhảy lên ôm nhau vì vui sướng. Có người rơm rớm nước mắt. Cả xưởng may như nổ tung trong tiếng nói cười rộn rã”.

Trong cuộc sống, có lẽ sẽ tốt hơn nếu doanh nghiệp chủ động chăm lo cho người lao động, để chiến thắng không nghiêng về phía bên nào. Tất cả phải cùng thắng, cùng đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
Doanh nghiệp vì người lao động thì người lao động cũng vì doanh nghiệp mà tận tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn