MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện LĐLĐ huyện Củ Chi trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Đức Long

Vì sao hàng nghìn CNLĐ chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68?

Nam Dương LDO | 21/09/2021 08:13
Sự “thận trọng quá mức” của một số cơ quan chức năng đã khiến hàng nghìn công nhân lao động (CNLĐ) không kịp thời được hưởng hỗ trợ trong lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nộp đủ hồ sơ, vẫn bị từ chối

Phản ánh đến Báo Lao Động, chị S.T.T.T, nhân viên Cty S. ở huyện Củ Chi, TPHCM cho biết, từ giữa tháng 7.2021 chị phải tạm ngừng việc do công ty ngừng hoạt động để phòng chống COVID-19. Nửa cuối tháng 7, chị T được Cty trả lương ngừng việc hơn 2,1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 99, BLLĐ 2019. Nhưng từ ngày 31.7, chị và Cty thỏa thuận tạm ngừng HĐLĐ đến hết 30.8.

Theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ 68) và được cụ thể hóa bằng Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23), chị T đủ điều kiện được nhận hỗ trợ một lần mức 3,71 triệu đồng.

Không riêng chị T, hàng ngàn CN của Cty S cũng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ 3,71 triệu đồng theo quy định trên, nhưng đến nay, dù Cty đã làm đủ hồ sơ, nhưng các CN vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Bà T.H - Giám đốc nhân sự của Cty S - cho biết, sau khi gọi điện thỏa thuận với hơn 7.400 CN ngừng HĐLĐ, Cty đã nộp hồ sơ đến BHXH huyện để xác nhận thời gian tham gia BHXH, rồi được chuyển qua Phòng LĐTBXH để xác nhận về lao động, sau đó chuyển tiếp đến UBND huyện Củ Chi để trình UBND TPHCM thẩm định đúng quy trình theo QĐ 23.

Ngày 11.9, UBND huyện Củ Chi có văn bản trả lời Cty S về việc chưa giải quyết đề nghị hỗ trợ NLĐ do đến lúc đó, UBND TPHCM chưa ủy quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện quyết định phê duyệt danh sách và chi kinh phí cho NLĐ thuộc diện hỗ trợ nêu trên.

Ngày 13.9, UBND TPHCM đã có quyết định số 3302/QĐ-UBND ủy quyền cho UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức được quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại QĐ 23.

Đồng thời, ủy quyền cho Sở LĐTBXH quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4, Điều 24, QĐ 23, khác với ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Ngày 14.9, Cty S tiếp tục nộp hồ sơ lần nữa để hơn 7.400 NLĐ được hưởng hỗ trợ khoảng 23 tỉ đồng, nhưng đến lúc này UBND huyện Củ Chi lại tiếp tục từ chối chưa giải quyết hỗ trợ với lý do chờ hướng dẫn của Sở LĐTBXH TPHCM.

Hỏi lại điều đã được hướng dẫn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 15.9, Sở LĐTBXH TPHCM đã có Văn bản số 30614/Sở LĐTBXH-LĐ gửi Bộ LĐTBXH về việc vướng mắc trong triển khai NQ 68. Đáng nói, trong văn bản này, Sở LĐTBXH lại có những câu hỏi đã được Bộ LĐTBXH hướng dẫn… từ hơn 1 tháng trước đó.

Cụ thể, Sở LĐTBXH TPHCM hỏi: “Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Chương IV, QĐ 23, thì thành phần hồ sơ đề nghị của “chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương gồm có bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.

Như vậy, trường hợp các doanh nghiệp thực hiện văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương với NLĐ có bắt buộc phải làm từng văn bản thỏa thuận với từng NLĐ hay không?”.

Điều này đã được Bộ LĐTBXH hướng dẫn tại công văn 2558/LĐTBXH-VP ngày 5.8. Theo đó, “Trường hợp NSDLĐ và NLĐ có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó.

Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...). Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì NSDLĐ ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” tại mẫu số 05 ban hành kèm theo QĐ 23 và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận”.

Đồng thời, nội dung này đã liên tục được Bộ LĐTBXH cập nhật trên cổng thông tin điện tử của bộ và ngày 13.8, Bộ LĐTBXH tiếp tục có văn bản nhắc nhở các Sở LĐTBXH thường xuyên theo dõi, cập nhật nội dung hỏi đáp cũng như “chủ động xử lý các tình huống cụ thể phát sinh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chính sách”. Thế nhưng, không hiểu vì sao, Sở LĐTBXH  TPHCM vẫn đi hỏi về nội dung đã được Bộ LĐTBXH hướng dẫn trước đó.

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích do UBND huyện Củ Chi đã được UBND TPHCM “ủy quyền quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương” nên phải tự mình thẩm định hồ sơ, chịu trách nhiệm và không cần chờ hướng dẫn của Sở LĐTBXH vốn không được UBND TPHCM ủy quyền thực hiện điều này. Còn Bộ LĐTBXH cũng đã có hướng dẫn về hình thức thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, thì Sở LĐTBXH TPHCM cũng không cần phải hỏi lại.

Việc làm của UBND huyện Củ Chi và Sở LĐTBXH TPHCM là “thận trọng quá mức” và đã khiến hàng ngàn CN không kịp thời được hưởng hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn