MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hộ kinh doanh tại tầng 1 toà nhà khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Vì sao hơn 20 hộ kinh doanh tại khu nhà ở công nhân khiếu nại tập thể?

Bảo Hân – Minh Phương LDO | 29/06/2022 09:50
Hà Nội - Báo Lao Động vừa nhận được đơn khiếu nại tập thể của 21 hộ kinh doanh tại khu nhà ở công nhân Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). 

Hộ kinh doanh mong tiếp tục

Trong đơn, các hộ kinh doanh cho biết, họ ký hợp đồng thuê mặt bằng ở tầng 1 tại 28 toà nhà ở xã hội dành cho công nhân. Trong quá trình thuê để phục vụ mục đích kinh doanh, các hộ đã xin phép được đầu tư tài sản cố định, cải tạo sửa chữa chỉnh trang phần diện tích được thuê để phù hợp với yêu cầu kinh doanh. Theo phản ánh, nhiều hộ kinh doanh đã phải đổ hết tiền chắt chiu, thậm chí vay mượn ngân hàng, người thân, cắm sổ đỏ để đầu tư kinh doanh.

Các hộ kinh doanh cho biết thêm, khi hết hạn hợp đồng thuê nhà (3 năm), các hộ kinh doanh đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị xin được ký lại hợp đồng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, trong hợp đồng ký giữa Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội với các hộ dân có điều khoản: Khi hết hạn hợp đồng, nếu bên thuê còn có nhu cầu sử dụng tiếp thì đăng ký bằng văn bản với bên cho thuê 1 tháng trước khi hết hạn ký lại hợp đồng. Chính vì vậy, hiện các hộ không dám đầu tư tiếp, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. 

Bà Phạm Thị Duyên (một người thuê mặt bằng) cho biết, các hộ kinh doanh đều không đồng ý về việc thu hồi mặt bằng và trả nợ tiền thuê nhà vì cần làm sáng tỏ việc được ký hợp đồng gia hạn với mức giá hợp lý. “Tôi đồng ý là có thể tăng giá, nhưng phải hợp lý chứ không thể tăng 500%. Khi có hợp đồng gia hạn thì các hộ kinh doanh sẵn sàng nộp tiền trả nhà nước đầy đủ, chứ không chống đối” – bà Duyên nói. 

Bà Duyên đề nghị Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có công văn chỉ đạo công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng; mức giá và sẽ truy nộp tiền thuê nhà cho nhà nước.  

Nhiều hộ kinh doanh đã phải đổ hết tiền chắt chiu, thậm chí vay mượn ngân hàng, người thân, cắm sổ đỏ để đầu tư kinh doanh.

Đơn vị cho thuê quyết thu hồi

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Cao Đức Đại – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói, việc ra quyết định thu hồi mặt bằng kinh doanh này là có quá trình lịch sử, không phải bỗng nhiên. 

Theo ông Đại, trước đây, khi hoàn thành, khu nhà ở cho công nhân còn hoang sơ, hạ tầng chưa hoàn thiện. Mục đích sử dụng ban đầu của diện tích ở tầng 1 của các toà nhà là kinh doanh dịch vụ theo thiết kế và làm nhà xe cho công nhân. 

Vẫn theo ông Đại, thời điểm đó, lãnh đạo thành phố thấy diện tích để trống lãng phí quá, nên có chỉ đạo đưa mặt bằng tầng 1 vào kinh doanh khai thác để tăng nguồn thu cho ngân sách. Nguồn thu từ cho thuê đều nộp danh sách và có hoá đơn chứng từ đầy đủ. Theo ông Đại, việc này chỉ có chỉ đạo miệng, chưa có quyết định cụ thể. 

Ông Đại thông tin thêm, sau này, khi rà soát, Sở Xây dựng báo cáo với thành phố, và thành phố có chỉ đạo thu hồi các diện tích cho thuê khi chưa có quyết định của thành phố.  

“Công ty động viên, tuyên truyền để các hộ chấp hành những quy định của thành phố, vì giai đoạn trước đây, khi cho thuê, thành phố chưa ban hành quyết định về đấu giá quyền thuê đối với diện tích kinh doanh dịch vụ. Sau khi có quyết định này thì chủ trương của thành phố là tất cả các diện tích kinh doanh dịch vụ phải đưa vào đấu giá quyền thuê. Công ty phải chấp hành theo chỉ đạo của thành phố và hướng dẫn của Sở Xây dựng, chứ không phải tự ý làm” - ông Đại nói.  

Ông Đại thừa nhận, theo hợp đồng ký kết có thể hết hạn hợp đồng được xem xét để ký tiếp nhưng phải phù hợp với quy định tại thời điểm ký hợp đồng. “Tại thời điểm hết hạn hợp đồng thì đã có chính sách đấu giá quyền thuê; mà nguyên tắc đấu giá thì phải thu hồi” - ông Đại cho hay.  

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, khi thu hồi sẽ không có hỗ trợ, đền bù tới các hộ kinh doanh; nếu không chấp hành thì phải cưỡng chế, mà theo quy định thì mọi chi phí trong quá trình cưỡng chế người bị cưỡng chế phải chịu. Vì vậy, khi thu hồi sẽ không có chính sách hỗ trợ, đền bù cho các hộ kinh doanh.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn