MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao hơn 5.000 công nhân sắp bị mất việc nhiều lần phản ứng?

Lâm Điền LDO | 08/11/2022 09:33
An Giang - Ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang chia sẻ nguyên nhân hơn 5.000 công nhân sắp bị mất việc nhiều lần phản ứng.

Xin ông khái quát diễn biến vụ việc hơn 5.000 công nhân tại Công ty TNHH An Giang Samho sắp bị mất việc.

- Ông Nguyễn Hữu Giang: Công ty TNHH An Giang Samho có văn bản gửi Sở LĐTBXH tỉnh An Giang về phương án sắp xếp lại lao động. Trong đó sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 3.200 lao động trong diện có thời gian làm việc dưới 12 tháng từ ngày 1.12.2022 và sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên khoảng 2.000 lao động khác.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang. Ảnh: LĐ

Ông có thể cho biết, nguyên nhân nào khiến Công ty cho số lượng lớn người lao động thôi việc?

- Ông Nguyễn Hữu Giang: Theo báo cáo công ty gửi các ngành chức năng, cũng như qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, có thể xác định, nguyên nhân chủ yếu là phía các đơn vị đối tác cắt giảm các đơn hàng sản xuất, dẫn đến công ty không bố trí việc làm đầy đủ cho người lao động tại đơn vị. Cụ thể là công ty có 2 thị trường chính là Adidas, chiếm 40% số đơn hàng và Newbelan chiếm 60% số đơn hàng. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề của lạm phát, số lượng đơn hàng sụt giảm. Ngoài ra nhãn hàng Adidas đã ngừng đặt hàng với công ty, đến cuối tháng 11.2022, công ty không còn sản xuất cho nhãn hàng này.

Sự tham gia của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng như thế nào?

- Ông Nguyễn Hữu Giang: Ngay từ khi phát sinh và xuyên suốt đến nay, tổ chức Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với  các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh quan tâm, giám sát, hướng dẫn, xử lý sát với từng diễn biến vụ việc. Đặc biệt với vai trò của tổ chức Công đoàn, chúng tôi có nhiều hoạt động thiết thực hướng về đoàn viên, người lao động.

Theo đó, LĐLĐ tỉnh An Giang phân công một đồng chí lãnh đạo trong Ban lãnh đạo và lãnh đạo các ban chuyên môn trực tiếp theo dõi, tham gia xử lý và chỉ đạo tổ chức Công đoàn cấp dưới cùng chung sức, nỗ lực làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trong lần đến thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động tại Công ty TNHH An Giang Samho. Ảnh: LĐ

Cụ thể là chỉ đạo cho Công đoàn Các khu Công nghiệp thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo cho Công đoàn cơ sở tại công ty tham gia tích cực vào việc thực hiện các bước trong quy trình xây dựng phương án sử dụng lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời tham gia trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, nhất là những người lao động thuộc diện cắt hợp đồng lao động và đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm.

Vì sao qua nhiều ngày làm việc với sự hiện diện, chứng kiến của các cơ quan chức năng, nhưng vẫn có nhiều người lao động bày tỏ sự chưa đồng tình, cốt lõi của sự vướng mắc ở đây là gì?

- Ông Nguyễn Hữu Giang: Chúng tôi nhận định việc người lao động còn có sự bày tỏ chưa đồng tình là trong thời điểm cuối năm, việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ gây khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó đến nay về phía doanh nghiệp chưa có động thái dứt khoát việc có hỗ trợ người lao động mất việc làm hay không.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú trong lần thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động tại Công ty TNHH An Giang Samho. Ảnh LĐ

Tại cuộc hợp chiều 4.11, đại diện người lao động trình bày phía sử dụng lao động có dấu hiệu bất nhất. Sự thật này thế nào?

- Ông Nguyễn Hữu Giang: Trong cuộc đối thoại giữa Giám đốc công ty với đại diện người lao động chiều ngày 4.11 có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, phía lãnh đạo doanh nghiệp đã tiếp nhận các ý kiến đóng góp, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Theo đó công ty xem xét không cắt hợp đồng lao động hoặc cắt 1 người giữ 1 người các trường hợp gia đình người lao động có sổ hộ nghèo; nhiều người lao động trong cùng 1 gia đình (cha và con, mẹ và con, anh chị em ruột, vợ chồng); người lao động đã làm việc được gần 12 tháng; lao động lớn tuổi...

Đây là giải pháp có được qua đề nghị của các cấp, các ngành và người lao động sau khi công ty đã gửi thông báo đến từng người lao động về việc cắt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại diện người lao động phản ánh có trường hợp 2 chị em cùng nhận được thông báo cắt hợp đồng. Phía công ty đã yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ chứng minh mình thuộc đối tượng không cắt hợp đồng mà công ty đã thông báo và đang trong quá trình tiếp nhận, xem xét giải quyết.

 Xin cám ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn