MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao lương tối thiểu không đề cập mức 7% với lao động đã qua đào tạo?

ANH THƯ LDO | 17/06/2022 19:30
Nghị định số 38/2022/NĐ-CP đã bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề.

Theo đó, Nghị định chỉ quy định chung mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Được biết, trước khi Chính phủ ký ban hành Nghị định 38/NĐ-CP, trong Tờ trình về Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải trình về những nội dung còn ý kiến khác nhau.

Về cơ chế áp dụng tiền lương tối thiểu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục quy định nội dung "mức lương thấp nhất đối với người lao động làm công việc đòi hỏi qua đào tạo, dạy nghề phải cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu" như đã quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15.11.2019 của Chính phủ để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây quy định Chính phủ ban hành nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp.

Căn cứ quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14.5.2013 quy định một số nội dung có tính định lượng, bắt buộc trong nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.

Tuy nhiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng nội dung này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi năng lực thương lượng của người lao động còn hạn chế, đến nay việc quy định này được đánh giá là can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Vì vậy, triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách trả lương của doanh nghiệp), Bộ Luật Lao động 2019 đã thể chế hóa, không còn quy định nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Theo đó, Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn (như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo) thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận, trả lương gắn với năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, để không làm giảm quyền lợi cho người lao động đang hưởng mức lương đối với công việc qua đào tạo, học nghề theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị định đã quy định: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn