MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ công đoàn tỉnh Đồng Nai hỗ trợ lương thực thực phẩm cho công nhân trong các khu nhà trọ thuộc diện phong tỏa. Ảnh: Hà Anh Chiến

Vì sao người lao động vùng dịch khó tiếp cận gói hỗ trợ?

hà anh chiến LDO | 29/07/2021 06:30
Tỉnh Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều phường, xã bị phong toả, nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn gặp rất nhiều vướng mắc. Vì sao có tình trạng này?

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Anh Trịnh Văn Lợi, quê Nam Định, làm nghề “thợ đụng” tại TP.Biên Hoà (Đồng Nai). Anh Lợi cho biết: “Trước đây tôi làm công nhân tại KCN Amata, nhưng sau đó tôi nghỉ làm rồi hành nghề tự do, ai nhờ gì làm nấy: Khi làm thợ hồ, lúc thì sửa điện… đủ để kiếm tiền nuôi bản thân, nhưng mấy tháng nay thất nghiệp do dịch bệnh COVID-19”.

Theo anh Lợi, hiện khu nhà trọ của anh cũng đã bị “giăng dây”, tỉnh Đồng Nai cũng đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên anh không thể ra ngoài. Các thủ tục liên quan để đăng ký hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 không thể thực hiện được.

Tương tự, anh Lê Văn Thanh, công nhân ngụ ở phường Phước Tân, TP.Biên Hoà. Nơi anh Thanh sinh sống có rất nhiều công nhân, lao động tự do nhưng nhiều tháng nay đã phải nghỉ việc do dịch bệnh. “Tuy nhiên, khi hỏi về thủ tục đăng ký để hưởng hỗ trợ thì tôi được yêu cầu phải có chỗ ở hợp pháp là sổ hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú. Trước đó, chúng tôi đã đi đăng ký tạm trú nhưng phường tạm hoãn do dịch bệnh nên giờ chúng tôi cũng không thể hoàn thiện được thủ tục để hưởng gói trợ cấp theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ”, anh Thanh nói.

Còn vợ chồng anh Lại Văn Cường (32 tuổi) và chị Bùi Thị Hương (29 tuổi), quê Thanh Hoá làm nghề bán vé số ở ngã ba Vũng Tàu, đã phải nghỉ ở nhà cả tháng nay mà không hề có nguồn thu nhập nào để trang trải cuộc sống. Vợ chồng chị Hương, anh Cường đều bị tật nguyền. Bản thân anh Cường bị liệt toàn thân, vợ anh cũng bị tật bẩm sinh đi lại khó khăn. Nay Phường Long Bình, TP.Biên Hoà cũng đã bị phong toả nhiều nơi, anh chị cũng không thể đi làm thủ tục để được hưởng trợ cấp.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa chống dịch còn công nhân của công ty họ cũng đang ở trong khu vực bị phong toả, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên cũng không thể tới công ty để ký biên bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc không thể công chứng các hồ sơ giấy tờ cần thiết để được hưởng gói hỗ trợ. Chị Vũ Thị Duyên, Công nhân Công ty CP Taekwang Vina, KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai cho biết: “Khu nhà trọ tôi ở tại P.Long Bình, TP.Biên Hoà hiện nay đã bị phong toả, tôi cũng không thể đi ra ngoài. Nếu có ra ngoài thì tôi cũng không thể tới công ty làm thủ tục do công ty đang tạm đóng cửa để chống dịch”.

Đơn giản hoá thủ tục để NLĐ sớm tiếp cận gói hỗ trợ

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết, việc chi trả các chế độ hỗ trợ cho NLĐ tại doanh nghiệp, lao động tự do không giao kết HĐLĐ, tuỳ tình hình thực tế của từng địa phương có thể linh động thực hiện bằng nhiều hình thức như: Ký nhận trực tiếp; giao tổ trưởng khu phố, ấp đi phát tại gia đình; giao qua bưu điện hoặc chuyển khoản qua ATM.

Riêng với đối tượng NLĐ không giao kết HĐLĐ (lao động tự do) đề nghị các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, tổ chức đoàn thể thực hiện thông báo, rà soát thông tin đến các đối tượng hỗ trợ, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng này trước 31.7.2021.

Ngoài đơn giản hóa thủ tục, UBND tỉnh đề nghị các địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ theo trình tự, thủ tục; không để chồng chéo, chậm tiến độ. Đồng thời, việc thực hiện chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để sót đối tượng và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm hoặc gây khó khăn cho các đối tượng, ông Phi cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn