MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống của nữ công nhân khu công nghiệp vẫn còn khó khăn. Ảnh: Bảo Hân

Vì sao nhiều nữ công nhân muốn rút bảo hiểm xã hội một lần?

Bảo Hân LDO | 16/04/2022 09:09
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, khiến nhiều nữ lao động đành phải rút bảo hiểm xã hội một lần - “bán lúa non” - để trang trải cho cuộc sống, nhất là khi họ sinh con.

“Tôi thấy tiếc vì đã rút BHXH một lần” 

Chị Đỗ Thị Thu Hoài (sinh năm 1985) là công nhân một công ty trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chị Hoài cho biết, vào năm 2016, sau khoảng 3-4 năm đóng BHXH, chị đã rút BHXH một lần. 

“Thời điểm đó tôi mới sinh cháu thứ 2, điều kiện kinh tế của gia đình rất khó khăn, thiếu thốn, trong khi đó, cần rất nhiều tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt, nhất là chăm sóc 2 con. Tôi không muốn vay mượn bên ngoài nhiều, vì vậy, quyết định rút BHXH một lần” - chị Hoài lý giải nguyên nhân. Hơn nữa, do con còn nhỏ, ông bà không sắp xếp được để trông giúp cháu, nên chị không thể tiếp tục đi làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động 1 năm, chị làm hồ sơ rút BHXH một lần. 

Được 20 triệu đồng tiền “bán lúa non”, chị Hoài dùng để trang trải quãng thời gian khó khăn đó. Chị Hoài bảo, nếu không có khoản BHXH một lần đó, không biết chị sẽ xoay xở ra sao. 

Mất 2 năm ở nhà trông con, cho đến khi con học mẫu giáo, chị Hoài mới đi làm công nhân trở lại. Từ lần thứ 2 trở lại làm công nhân, chị tham gia BHXH được 5 năm.

“Bây giờ tôi thấy tiếc khi đã rút BHXH một lần. Nếu mà phải nghỉ việc, tôi sẽ không làm như vậy mà phải cố gắng tiếp tục đóng BHXH để còn được hưởng lương hưu khi về già, như vậy sẽ có lợi hơn. Về già sức khoẻ suy giảm, nhiều bệnh tật mà không có lương hưu thì sẽ rất khó khăn” - chị Hoài nói và cho biết thêm, trong trường hợp mất việc, chị sẽ đi làm việc tại công ty khác; hoặc nếu không xin được làm công nhân nữa thì chị sẽ đóng bảo hiểm tự nguyện. 

Cố làm nhiều năm hơn rồi mới… rút BHXH một lần 

Hết 6 tháng nghỉ thai sản, chị Vi Thị Kiều Ninh (quê Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) quyết định nghỉ luôn việc. Sau khi tốt nghiệp cấp III, nữ công nhân sinh năm 2000 này quyết định xuống Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên) thuê trọ, đi làm công nhân. Mức lương cơ bản của chị nâng từ 3,7 triệu đồng/tháng lên 4,1 triệu đồng/tháng; các khoản phụ cấp thêm khoảng 1 triệu đồng. Nếu làm thêm nhiều, tổng thu nhập của chị được 8-9 triệu đồng/tháng. Sau gần 3 năm làm công nhân, chị Ninh mang bầu, rồi về quê sinh con đầu lòng. 

“Tôi quyết định nghỉ việc là vì con nhỏ, hơn nữa, nhà lại xa nơi làm việc (khoảng 90km), không có xe đưa đón. Giả sử có xe đưa đón thì tôi cũng không đi được vì say xe, mất quá nhiều thời gian. Nếu công ty ở gần nhà thì tôi sẽ tiếp tục đi làm” - chị Ninh cho hay và nói, chồng chị bảo: “Đi làm thì làm cả đời, bây giờ con nhỏ, điều quan trọng là phải chăm sóc con; bao giờ con cứng cáp thì tiếp tục đi làm cũng được”. 

Nữ công nhân này đã chốt sổ BHXH, hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chị Ninh cho hay, chị sẽ không rút BHXH một lần, nhưng lý do chị đưa ra là vì chị mới có 2 năm đóng BHXH. 

Không rút BHXH ngay, nhưng chị Ninh không nghĩ đến việc sau này sẽ được hưởng lương hưu khi về nhà. Chị Ninh dự định khi nào con đi học mẫu giáo, chị sẽ tiếp tục đi làm công nhân, nhưng không có ý định gắn bó với nghề công nhân lâu dài.

“Tôi chỉ dự định làm công nhân một vài năm nữa, chứ không tính sẽ làm nghề này lâu dài. Để được nhận lương hưu, tôi sẽ phải mất rất lâu mới đủ tuổi nghỉ hưu. Nhà tôi có vườn nhãn, có ruộng, nên khi bố mẹ già, tôi và chồng sẽ phải đảm nhận công việc này” - chị Ninh nói.  Chị Ninh dự định, sau khi đóng BHXH được nhiều năm hơn, chị sẽ rút BHXH một lần, như vậy sẽ được nhiều tiền hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn