MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) tạm dừng đón khách từ ngày 9.7. Ảnh: Diệu Anh

Vì sao những lái đò ở Khu du lịch Tam Cốc chưa mặn mà ký hợp đồng lao động

DIỆU ANH LDO | 19/07/2023 17:45

Ninh Bình - Hơn 600 người dân địa phương làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) vẫn chưa đồng ý ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp chủ quản, chính vì vậy từ ngày 9.7, đến nay khu du lịch này tạm thời phải đóng cửa để doanh nghiệp, chính quyền địa phương đối thoại với người dân.

Từ ngày 9.7, đơn vị quản lý và khai thác Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã thông báo, tất cả những người chèo đò phục vụ khách du lịch ở đây phải ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và đúng theo quy định của Bộ Luật lao động.

Theo đó, những người ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp phải có giấy khám sức khỏe theo quy định. Toàn bộ chi phí khám sức khỏe sẽ do chủ quản sẽ chi trả. Tuy nhiên, người lao động ở đây vẫn chưa mặn mà với việc ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Hiện Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động có trên 600 lao động làm nghề chèo đò. Ảnh: Diệu Anh

Những người chèo đò ở đây cho rằng, khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp sẽ có những ràng buộc về các điều khoản bất lợi chọ họ. Hiện nay, có những người 15 - 16 tuổi cũng tham gia chèo đò, hoặc có những người trên 75 tuổi vẫn chèo đò phục vụ du khách. Nếu bây giờ mà ký hợp đồng lao động thì những người không trong độ tuổi lao động này sẽ như thế nào?. Bên cạnh đó, đò là do người dân tự bỏ tiền ra để đóng, đây là tài sản riêng của họ, vậy khi ký hợp đồng thì sẽ xử lý ra sao?... Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc người lao đồng ở đây chưa mặn mà với việc ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung trên, vào chiều ngày 12.7 vừa qua, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã tổ chức đối thoại với người lao động chèo đò tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cùng với sự tham gia của chính quyền địa phương. Tại buổi đối thoại, đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người lao động. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, người lao động vẫn chưa đồng ý ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

"Việc người lái đò tham gia ký hợp đồng lao động sẽ được đóng bảo hiểm, đảm bảo các chế độ phúc lợi cho họ. Bên cạnh đó, đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lái đò và du khách. Họ còn được tập huấn nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp hơn, mang đến nhiều trải nghiệm tốt cho du khách hơn. Qua các buổi đối thoại, chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của nguời dân, việc tăng giá đò đã được doanh nghiệp hỗ trợ trước mắt từ 150.000 đồng/chuyến theo quy định lên 200.000 đồng/chuyến" - đại diện doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho hay.

Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình bày tỏ: Việc doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường ký hợp đồng lao động với người lái đò là đảm bảo về tính pháp lý, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân, an toàn cho cả du khách và người lái đò. Như vậy đúng về xu hướng phát triển bền vững cho ngành Du lịch. Theo đó, hai bên doanh nghiệp - người lao động được ràng buộc lẫn nhau. Khi ký hợp đồng thì người dân có quyền lợi của họ.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đóng cửa tạm dừng đón khách từ ngày 9.7 cho đến nay vẫn chưa mở lại. Ảnh: Diệu Anh

Như đại dịch COVID-19 vừa qua, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã bỏ kinh phí mua vaccine và hỗ trợ tiền hàng tháng cho người lái đò trong thời gian nghỉ dịch. Tuy nhiên, chỉ một số ít bà con chưa hiểu về việc này, nên doanh nghiệp tạm đóng cửa tuyến du lịch Bích Động - Định Các - Tam Cốc, các tuyến khác vẫn hoạt động bình thường.

"Chúng tôi rất đồng tình với cách làm này của doanh nghiệp để đảm bảo về nhân lực, về cảnh quan môi trường di sản, sức khoẻ đủ điều kiện để phục vụ du khách, đảm bảo sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp, hiệu quả của Du lịch Ninh Bình nói chung, Tràng An - Tam Cốc - Bích Động nói riêng. Chính vì vậy, việc ràng buộc lẫn nhau giữa người sử dụng lao động và người lao động là cần thiết và phải thực hiện đúng quy định của pháp luật" - ông Tấn cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn