MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam.

Việc giảm giờ làm là cần thiết

NAM DƯƠNG ghi LDO | 31/10/2019 14:24

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, các luật sư cho rằng, việc giảm giờ làm của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần là đúng đắn và cần thiết.

* Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam: “Giảm giờ làm là xu thế tiến bộ xã hội”.

Từ năm 1886, đã nổ ra phong trào công nhân biểu tình, đòi giảm giờ làm việc xuống còn 8 giờ/ngày và yêu cầu không giảm tiền lương. Ngày 1.5 sau này được chọn làm Ngày Quốc tế Lao động. Qua tìm hiểu quy định pháp luật ở các nước cho thấy, từ những năm 1950 - 1960, nhiều nước đã chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ mỗi tuần.

Đến năm 1999, chúng ta đã quy định công chức chỉ làm việc mỗi tuần 5 ngày và mỗi ngày 8 tiếng. Còn Bộ luật Lao động hiện hành vẫn quy định người lao động (NLĐ) phải làm việc 48 giờ/tuần, như vậy đã tạo ra sự không công bằng giữa hai khu vực lao động làm công ăn lương cho Nhà nước và lao động làm việc cho doanh nghiệp, trong khi Hiến pháp quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng đã phát biểu trước Quốc hội, việc duy trì hai chế độ thời gian làm việc như thế là “không bình đẳng và không có nước nào mà Luật Lao động lại quy định công chức làm ít giờ, công nhân làm nhiều giờ”. Theo tôi, đây là một nhận xét phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đã có nhiều chủ trương, đường lối để chăm lo cho giai cấp công nhân. Vì vậy, Quốc hội cần thể chế hóa các chủ trương, đường lối đó thông qua việc xây dựng, ban hành pháp luật đảm bảo quyền, lợi ích của CNLĐ. Xu hướng chung hiện nay ở nhiều quốc gia là giảm giờ làm của NLĐ và tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để nâng cao năng suất lao động.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh tăng lương, giảm giờ làm là xu thế tiến bộ xã hội. Do đó, việc giảm giờ làm của CNLĐ từ 48 giờ xuống còn 44 giờ, thậm chí 40 giờ đối với CNLĐ là cần thiết và nên làm.

* Luật sư Nguyễn Hữu Học - Công ty Luật Phương Minh, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh: “Để bảo đảm luật đi vào cuộc sống, quyền phải gắn với nghĩa vụ”.

Qua theo dõi góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, tôi thấy có xu hướng tăng nghĩa vụ của NLĐ. Cụ thể, dự thảo đề xuất tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ. Trong khi đó, dự thảo vẫn giữ nguyên số giờ làm việc là 48 giờ/tuần, giữ nguyên ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ là 10 ngày.

Như vậy, những đề xuất để tăng quyền lợi của NLĐ như giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần; tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ đã không được đưa vào trong dự thảo. Nguyên tắc chung khi xây dựng pháp luật và để bảo đảm luật đi vào cuộc sống, quyền phải gắn với nghĩa vụ. Nếu tăng nghĩa vụ của NLĐ cũng nên tăng quyền thì mới cân bằng, tránh sự mất cân đối giữa quyền và nghĩa vụ. Vì thế, tôi cho rằng việc giảm giờ làm của NLĐ từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần là đúng đắn và cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn