MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh Nam Dương

Việt Nam đã gia nhập 23 công ước của ILO

Nam Dương LDO | 26/04/2019 16:30
Trong khuôn khổ  phiên họp toàn thể lần thứ 12 Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại TPHCM ngày 26.4, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị đề nghị gia nhập các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và việc sửa đổi Bộ luật Lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, đến nay Việt Nam đã gia nhập 23 công ước của ILO.

Có 3 công ước cơ bản còn lại Việt Nam chưa tham gia gồm Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước số 87 về Quyền tự do hiệp hội và việc quyền được tổ chức và Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (TLTT).

Ngày 12.4, Chủ tịch nước đã có Tờ trình số 01/TTr-CTN gửi Quốc hội về gia nhập Công ước 98, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5.2019.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, về cơ bản các quy định của pháp luật Việt Nam đã tương thích với các quy định của Công ước 98.

Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả công ước trên, Việt Nam cần nội luật hóa các quy định của công ước.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh Nam Dương

Bộ LĐTB&XH đã nêu ra những quy định chưa phù hợp với Công ước 98, cần sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính tương thích với yêu cầu của Công ước 98.

Theo đó, bổ sung nguyên tắc của thương lượng tập thể (TLTT) được tiến hành tự nguyện, việc tiến hành định kỳ hay đột xuất là do các bên trong quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện; NLĐ phải được lựa chọn tổ chức đại diện cho mình trong thương lượng tập thể (TLTT), do đó phải sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của CĐ cấp trên của CĐCS trong việc đại diện cho NLĐ tại nơi chưa có CĐCS để tiến hành thương lượng tập thể (TLTT);

Việc thương lượng tập thể (TLTT) không chỉ tiến hành ở cấp DN, ngành như hiện hành mà có thể được tiến hành ở bất kỳ cấp nào như một bộ phận của DN, cấp vùng, nhóm DN…

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang rất tích cực đổi mới hoạt động để cho phù hợp với tình hình, khi phải chấp nhận có sự cạnh tranh với các tổ chức đại diện tập thể NLĐ được phép ra đời trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phát biểu tại phiên họp. Ảnh Nam Dương

Tuy nhiên thực tế ở một số quốc gia cho thấy nếu trong một DN mà có quá nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ thì cũng gây phức tạp cho DN đó.

Do đó, đề nghị khi xây dựng các văn bản pháp luật liên quan nên cân nhắc số lượng đại diện cho tập thể NLĐ trong một DN bao nhiêu là đủ, để bảo đảm việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ cũng như sự ổn định hoạt động của DN. Đồng thời quy định theo hướng tổ chức nào được quá bán số NLĐ trong DN ủng hộ sẽ được đại diện cho NLĐ tiến hành TLTT.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cũng đề nghị các cơ quan chức năng và Quốc hội nên xem xét, cho ý kiến, thông qua Luật Công đoàn sau khi Quốc hội thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi, bổ sung, vì có nhiều quy định của Luật Công đoàn liên quan mật thiết đến quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, nếu thông qua trong cùng một kỳ họp mà các quy định trong hai văn bản luật này “vênh nhau”, thì sẽ khó thực thi trong thực tế.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH  Đào Ngọc Dung phát biểu, theo lộ trình việc đề nghị gia nhập Công ước số 105 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức dự kiến được thực hiện tháng 10.2020 và Công ước số 87 về Quyền tự do hiệp hội và việc quyền được tổ chức được tiến hành tháng 10.2023.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Nam Dương

Phó Chủ tịch thường trực Ủy Ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi nêu ý kiến, việc gia nhập Công ước 98 là phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hội nhập Quốc tế về lao động, xã hội và thể hiện tăng cường cam kết chính trị và thực thi có thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hội nghị cũng lắng nghe báo cáo của Bộ LĐTB&XH và cho ý kiến về nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn