MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngọ Duy Hiểu (ngoài cùng, bên phải) - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - tặng cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn 2020. Ảnh: PĐ

Vinh danh 20 doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt May năm 2020

PHÚC ĐẠT LDO | 07/01/2021 15:36

Ngày 7.1, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn (cùng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Lễ vinh danh “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt May Việt Nam năm 2020.

Dự hội nghị có ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu (trái) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tặng bằng khen cho các doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt May năm 2020. Ảnh: PĐ

Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam - cho biết, đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa, góp phần lan tỏa và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp đối với vấn đề an toàn vệ sinh lao động; là cơ hội để các doanh nghiệp được tôn vinh cảm thấy tự hào, xác định trách nhiệm, khẳng định vị trí của mình.

Bên cạnh đó, hoạt động còn là cơ sở để khách hàng đánh giá về doanh nghiệp. Từ đó, có những tác động tích cực tới việc làm, môi trường và quyền lợi của người lao động.

Chương trình “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt May năm 2020 đã trải qua 5 tháng bình chọn với các vòng: Sơ khảo hồ sơ, khảo sát và chấm điểm thực tế.

Theo đó, trên tinh thần nghiêm túc, công bằng và minh bạch, 40 đơn vị, doanh nghiệp ngành Dệt May trên toàn quốc tham gia được đánh giá kết quả thực hiện việc đảm bảo, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động. Chung cuộc, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn được 20 doanh nghiệp tiêu biểu để vinh danh.

Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PĐ

Từ thực tế triển khai chương trình, các chuyên gia đã đề xuất đóng góp nhiều ý kiến nhằm điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về an toàn vệ sinh lao động; thử nghiệm để tiến tới xây dựng được một hệ thống đánh giá độc lập của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác an toàn vệ sinh lao động.

Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Anh Thơ - thành viên Hội đồng thẩm định - chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp không chỉ quan niệm công tác an toàn vệ sinh lao động là thực hiện trách nhiệm bắt buộc theo yêu cầu của pháp luật, mà còn nhìn nhận vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là sự đầu tư cho phát triển, xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy, vai trò của công tác an toàn trong doanh nghiệp ngày càng được nêu cao, phấn đấu tạo nên sự khác biệt, được khách hàng nhìn nhận với những sản phẩm “sạch” - là các sản phẩm được làm nên bởi công nhân lao động có điều kiện làm việc tốt, các chế độ, chính sách lao động đảm bảo.

Dịp này, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng tổ chức Sơ kết hoạt động Công đoàn nửa nhiệm kỳ 2018 - 2023; Tổng kết hoạt động Công đoàn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PĐ

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực cao, chủ động, sáng tạo đưa Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII vào thực tiễn chăm lo tốt đời sống các đoàn viên Công đoàn và người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh; đưa phong trào thi đua vào sâu thực tiễn lao động sản xuất. Đặc biệt, Công đoàn ngành Dệt May đã đồng hành cùng các doanh nghiệp kịp thời có chủ trương giải quyết việc làm, đảm bảo an toàn cho người lao động, góp phần phát triển ngành may mặc quốc gia bền vững trước những khó khăn, thách thức của dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, thời gian tới, Công đoàn Dệt May Việt Nam bám sát chủ đề hoạt động, thi đua của Tổng LĐLĐVN năm 2021. Cụ thể: Nâng cao nhận thức cho người lao động về kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo hiệu quả đời sống người lao động về phúc lợi; động viên, giúp đoàn viên, người lao động nâng cao tay nghề; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và đẩy mạnh các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng tạo động lực cho người lao động hăng say lao động, sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn