MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Phong Linh

Vinh quang Việt Nam 2023: 40 năm làm nghề của NGƯT Nguyễn Minh Thủy

PHONG LINH LDO | 30/05/2023 09:01
Vinh quang Việt Nam 2023 - Đó là câu nói của GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy (Giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Thực Phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ) khi nhìn lại gần 40 năm làm nghề của mình. GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy là tấm gương điển hình về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những công trình đáng nhớ giúp người dân địa phương

Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ, cô Nguyễn Minh Thủy đã sớm tiếp cận với tri thức và đi theo định hướng của riêng mình. Sau tốt nghiệp, cô Thủy là 1 trong 2 nhà giáo được giữ lại Trường Đại học Cần Thơ giảng dạy Bộ môn Công nghệ Thực phẩm vì thành tích học tập xuất sắc. Từ đó, cùng với bao thế hệ sinh viên bước vào con đường Nghiên cứu khoa học (NCKH) như một phần lẽ sống của đời mình. 

“Tôi yêu giảng dạy và NCKH như một phần sống của đời tôi. Dù là nữ giới, gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc.

Hơn 40 năm qua, tôi và nhóm nghiên cứu đã miệt mài và nỗ lực không mệt mỏi để phát triển các sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu đặc sản ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi công trình NCKH sau khi kết thúc đều để lại dấu ấn tốt đẹp và khó quên trong cuộc đời làm khoa học” - Giáo sư Minh Thủy chia sẻ. 

Những năm 2000, khi thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến sản phẩm từ cây thốt nốt ở Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang), nhóm nghiên cứu của cô Thủy gặp khó khăn do đa số người dân địa phương là dân tộc Khmer. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực cũng như hỗ trợ của cán bộ địa phương hàng tháng trời, nhóm đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để triển khai công việc suôn sẻ và đề tài thành công. 

Kết quả, đề tài của nhóm còn áp dụng được thực tiễn ở địa phương, hướng dẫn bà con kỹ thuật lấy nước thốt nốt và sử dụng phụ gia an toàn trong chế biến đường thốt nốt, trở thành thương hiệu của địa phương.

Vào thời điểm hành tím Sóc Trăng phải kêu cứu, nhóm nghiên cứu của nữ giáo sư đã giúp địa phương giải quyết bài toán khó bằng nhiều sản phẩm chế biến từ hành tím ra đời. Theo đó, nghiên cứu đã tận dụng được các hợp chất sinh học quý từ hành tím, đa dạng hóa sản phẩm từ hành tím và tạo thương hiệu đặc sản cho quê hương Sóc Trăng.

“Nhớ nhất là trong hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất Rượu vang Sim ở Măng đen, chúng tôi ngoài việc hỗ trợ công ty phát triển, tạo thương hiệu cho mặt hàng đặc sản của tỉnh, còn giúp tạo công ăn việc làm và có thu nhập cho phụ nữ dân tộc ở Măng Đen, Kon Plông, Kon Tum. 

Phụ nữ không còn phải chật vật kiếm sống, nuôi con mà có thể phụ giúp gia đình, thậm chí trở thành người kinh tế chính trong nhà. Bản thân mình cũng là phụ nữ nên rất vui và tự hào” - giáo sư chia sẻ. 

Đồng hành cùng sinh viên dù ở tuổi nghỉ hưu

Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với ngành Công nghệ Thực phẩm, nữ giáo sư đã có nhiều đóng góp cho công cuộc NCKH. Cô thực hiện 26 đề tài NCKH các cấp (quốc tế, tỉnh, cơ sở) và nghiệm thu với nhiều đề tài đạt kết quả xếp loại xuất sắc; nhiều đề tài đã chuyển giao công nghệ; công bố 252 bài báo gồm: 126 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc tế có uy tín (ISI, SCOPUS) và Kỷ yếu Hội nghị quốc tế, 126 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc gia và Kỷ yếu Hội nghị quốc gia. 

Đáng chú ý, Giáo sư Minh Thủy đạt được thành tích với Giải thưởng “Báo cáo xuất sắc” - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Đài Loan (Trung Quốc) trao tặng năm 2011; Nhà giáo Ưu tú năm 2014, Chiến sĩ thi đua toàn quốc 2017; Giải thưởng “100 phụ nữ tự tin tiến bước” 2017; Bằng khen Thủ tướng năm 2019... Mới đây nhất là Giải thưởng KOVALEVSKAIA 2021.

“Hiện tại, tôi vẫn làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ sau nghỉ hưu. Vì vậy ở mỗi bậc học (Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ), tôi luôn đồng hành với sinh viên và học viên trong NCKH. Tôi hiểu công việc này sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế.

Tôi cũng mong muốn khi ra trường, các bạn học trò vẫn mang được trái tim nhiệt huyết như khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần giúp các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm với các khâu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt” - cô Thủy nói.

“Cô Thủy là tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học và người truyền lửa cho các em sinh viên/học viên, giúp các em phấn đấu trong chuyên môn, rèn luyện bản thân tốt hơn trong cuộc sống. Hiện nay, các nghiên cứu của Cô Thủy tập trung vào nguồn nông đặc sản của các địa phương, bảo quản dạng tươi và chế biến đa dạng hóa sản phẩm, giúp địa phương sử dụng nguồn nông sản hiệu quả. Hoạt động này có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của đất nước” - PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ nhận định.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn